PGS.TS Trần Đình Thiên: Hệ thống phân phối không giải quyết hết mọi vấn đề, phải xử lý chi phí, lợi ích cho thị trường xăng dầu
Thị trường xăng dầu thời gian qua đã có những biến động rất khó lường do khó khăn chung về nguồn cung và biến động giá lớn trên thị trường xăng dầu thế giới. Trong nước, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng, lỗ kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Phải nói là lâu lắm rồi thị trường xăng dầu thế giới không có sự biến động như thế này, tính bất ổn cao, tần số bất thường và hiếm thấy nên tác động đến thị trường theo hướng bất thường, chứ không theo xu hướng là đoán được và có thể chủ động hướng xử lý. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở nên cũng phải chịu sự bất thường và tìm hướng đối phó với sự bất thường đó.
PGS.TS Trần Đình Thiên |
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam còn chịu thêm 1 yếu tố là ta còn phải rất cẩn trọng với việc giá cả biến động sẽ tác động đến lạm phát trong nước. Do đó, phản ứng đối với thị trường xăng dầu tương đối thận trọng, không linh hoạt theo cách mà thị trường đòi hỏi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường “trục trặc”.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, chúng ta gặp bất ổn do nguồn cung trong nước, ở hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn. Nếu như Lọc dầu Bình Sơn cung cấp rất tốt cho nền kinh tế thì Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại gặp khó khăn, cho nên thị trường trong nước đã khó lại càng khó thêm. Do đó, có thể nhận định rằng tình huống của thị trường xăng dầu Việt Nam ngoài yếu tố quốc tế, đồng thời cũng có yếu tố trong nước.
Gần đây, tình hình gay gắt và cấp bách hơn, càng làm cho cách xử lý của chúng ta, đáng nhẽ ra là cần tính thị trường, linh hoạt hơn thì dường như lại không được bảo đảm.
Nói đến xăng dầu, đến hệ thống phân phối thì trước hết phải nói rằng việc tổ chức hệ thống phân phối giữa hai miền có sự khác nhau. Sự khác nhau đó trong điều kiện bình thường thì không sao, nhưng khi tình hình bất thường thì lại có những tác động lớn.
Ví dụ như mạng lưới của Petrolimex ở phía Bắc khá nhiều, nên khi thị trường có vấn đề, chúng ta điều hành thông qua Petrolimex thì tính chủ động cao hơn nên không quá căng thẳng ở phía Bắc.
Tuy nhiên ở khu vực phía Nam, Petrolimex chiếm khoảng 30-40% thì tính bị động cao hơn, trong những tình huống đặc biệt cần can thiệp sẽ khó khăn hơn. Hệ thống phân phối, đại lý bán lẻ nếu không có sự liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp đầu mối lớn thì khi thị trường có biến động sẽ gây ra sự xáo động. Mà xăng dầu thì là máu của nền kinh tế, cho nên chỉ 1,2 ngày có biến động thôi đã gây ra chấn động trong nền kinh tế. Đây là một điểm rất nên lưu ý và tình hình thị trường như vừa qua chính là phép thử cho hệ thống cung ứng xăng dầu của Việt Nam. Để “bảo hiểm” cho thị trường này ổn định thì tổ chức doanh nghiệp đầu mối như thế nào, thương nhân phân phối ra làm sao để khi can thiệp thì không bị những cú sốc thị trường ảnh hưởng làm cho tiêu cực? Điều này tôi thấy Bộ Công Thương đã nhận thấy và đã thẳng thắn nói rõ cho dư luận hiểu. Trong vấn đề này, Bộ Công Thương đã làm nghiêm túc.
Tuy nhiên tôi cho rằng riêng tổ chức hệ thống phân phối không giải quyết hết mọi vấn đề. Bởi đã là thị trường thì sẽ liên quan đến vấn đề chi phí, lợi ích. Đã nói đến lợi ích là phải nói đến giá cả. Mà như chúng ta đã biết, điều hành thị trường trong lúc này, chúng ta bị áp lực ở mấy phía như sau: thứ nhất là thị trường xăng dầu bất ổn theo xu hướng tăng giá cao, nhưng ta lại bị áp lực về kiềm chế lạm phát nên lại phải giữ cho chi phí đầu vào thấp đi. Chúng ta phải tìm ra “điểm cân bằng” giữa yêu cầu chống lạm phát và áp lực thị trường, cân đối ở điểm cân bằng nào để không gây tổn hại. Đối với vấn đề này, tôi cho rằng vừa rồi, việc xử lý vấn đề này còn hạn chế.
Vì sao lại như vậy? Vì ta nghiêng nặng về vấn đề kiểm soát giá cả mà không nghiêng về vấn đề thị trường, trong khi thị trường thì liên quan trực tiếp đến hệ thống phân phối từ lúc nhập khẩu vào đến hệ thống bán lẻ bên dưới. Cho nên khi phản ứng theo kiểu nỗ lực kiềm chế giá xăng dầu (dù kiềm chế giá xăng dầu là vấn đề tốt cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp tiêu dùng xăng dầu, người tiêu dùng được giá thấp) thì chịu tác động ngược là nguồn cung bị hạn chế. Đây là điều chúng ta phải tính toán.
“Điểm cân bằng” này đòi hỏi một phản ứng thị trường, nhưng thời gian qua chúng ta không xử lý nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phân phối bán lẻ ngưng bán hàng vì chiết khấu không có, giá cả thấp nên doanh nghiệp không chấp nhận được. Như vậy là cách tiếp cận giá thị trường đến một mức độ nào đó mà nhà nước không đảm bảo cân bằng cho doanh nghiệp thì đến sẽ dễ dẫn đến “vỡ trận”. Thị trường của chúng ta chưa đến mức vỡ trận nhưng rõ ràng là ta chịu tác động tiêu cực. Đây rõ ràng là bài học quan trọng.
Điểm thứ hai là sự phối hợp giữa các Bộ thời gian vừa rồi chưa thực sự tốt, giữa một bên là khâu trung tâm nhất của thị trường là giá, và một khâu khác là tổ chức mạng lưới. Hai điều này phải phối hợp với nhau thật tốt, thật chặt để đảm bảo thị trường được thông suốt.
Gần đây có câu chuyện bán xăng dầu bằng chai, can hay cây xăng tự chế. Đó cũng là phản ứng thị trường rất bình thường. Khi nhu cầu đi lại là nhu cầu sống còn của đất nước này mà khu vực chính thức không đáp ứng được thì lập tức khu vực phi chính thức sẽ xuất hiện và có giải pháp hỗ trợ. Khu vực phi chính thức sẽ xuất hiện khi có lợi, và khi người tiêu dùng chấp nhận một số rủi ro nhất định như chất lượng kém đi, giá cả cao hơn. Đây không phải vấn đề đạo đức để lên án, mà cũng phải nhìn nhận đây cũng là một trong những cách để cho nền kinh tế này vận hành được, cho dù cái cách đó phải trả giá bằng chất lượng, bằng các tổn thất khác.
Vấn đề trung tâm của việc cung ứng xăng dầu hiện nay là câu chuyện giá cả. Giá cả ở đây chính là điểm cân bằng giữa việc quan tâm chống lạm phát, kiểm soát giá cả trong điều kiện giá cả lên. Song, giá cả lên không phải do nhà nước, không phải do điều hành, cũng không phải do doanh nghiệp mà do giá cả thế giới lên. Như vậy, việc điều hành phải làm sao giúp cho doanh nghiệp.
Ông vừa nói đến "điểm cân bằng" giữa yêu cầu chống lạm phát và áp lực thị trường. Vậy theo ông, “điểm cân bằng” này cần giải quyết như thế nào trong thời điểm hiện nay?
Thực ra nền kinh tế của ta chưa phải lạm phát mà là ta lo lạm phát, sợ lạm phát bởi khi nhìn ra thế giới, có thể thấy áp lực lạm phát đang rất mạnh. Lo sợ cũng đúng vì lâu nay, lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng ta rất nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn là Việt Nam chưa lạm phát và chúng ta đang kiểm soát lạm phát rất tốt. Cho nên đừng quá sợ chuyện đó, nhất là trong khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng tới.
Thị trường xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh của tình hình thế giới |
Theo kinh nghiệm của chúng ta trong thời gian qua có thấy ta hoàn toàn có thể kiềm chế giá xăng dầu tăng cao tác động đến lạm phát thông qua công cụ thuế, phí. Chuyện này, thời điểm đầu ta làm tốt khi giảm thuế môi trường và thời gian tới ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Tức là khi ta chưa lạm phát, nhà nước phải căn cứ vào lợi ích hay thiệt hại của các bên sử dụng xăng dầu để tính toán.
Ví dụ như đối với 3 bên: doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu; nhà nước; người tiêu dùng, không thể để cho bên nào gánh hết thiệt hại được mà phải có một cách tiếp cận cân bằng. Khi nền kinh tế chưa lạm phát thì vẫn có thể nới công cụ tài khóa để giúp cho nền kinh tế đang yếu, nhất là khu vực nội địa giảm bớt chi phí để phục hồi.
Phải khẳng định giá xăng dầu tăng không phải lỗi của doanh nghiệp hay nhà nước mà hoàn toàn do thị trường, thì người tiêu dùng cũng phải chịu một phần mức tăng giá này. Còn nếu như nhà nước vẫn trợ giá, thì sẽ dẫn đến câu chuyện buôn lậu xăng dầu khi giá trong nước thấp hơn các quốc gia khác.
Cho nên điểm cân bằng chính là chỗ này: người tiêu dùng chịu bao nhiêu? Doanh nghiệp phải chịu bao nhiêu và ngân sách chịu bao nhiêu? Điều này phải tính toán, nghiên cứu, thảo luận kỹ. Nó không có một con số cố định nào mà phải tính toán theo tình hình biến động. Khi Nhà nước còn chịu được, ngân sách hỗ trợ được thì hỗ trợ để vực dậy doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng phải chấp nhận giá xăng dầu cao hơn theo giá thị trường.
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, được ví là máu của nền kinh tế, theo ông, để thị trường xăng dầu vận hành ổn định hơn trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cao vai trò, sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương trong điều hành mặt hàng này ra sao thời gian tới?
Sự phối hợp giữa các bộ ngành là điều cực kỳ quan trọng trong câu chuyện điều hành thị trường xăng dầu, nhất là bối cảnh hiện nay. Như vừa rồi, phát biểu trên Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có đề xuất rằng, trao hết quyền điều hành mặt hàng xăng dầu về Bộ Công Thương. Tôi nghĩ rằng điều đó chưa thỏa đáng. Vì chức năng quản lý giá liên quan đến thuế phí nằm ở Bộ Tài chính. Bộ Công Thương không thể có được bộ máy chuyên nghiệp để định giá, thuế, phí.
Điều hành xăng dầu cũng không phải trách nhiệm của riêng hai bộ mà còn là trách nhiệm chung của một số bộ ngành, địa phương. Cho nên tôi nghĩ rằng, câu chuyện trong điều hành xăng dầu là mỗi đơn vị làm tốt việc của mình, và phối hợp tốt với nhau để duy trì dòng chảy xăng dầu cho nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Kinh doanh có điều kiện thì phải có những điều kiện ràng buộc. Nhưng trong điều hành, kèm theo các điều kiện về tài chính, với cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm cân đối thu - chi, thiệt quá thì các doanh nghiệp không chịu được. Điều các doanh nghiệp cần lúc này là cam kết giá xăng tăng bao nhiêu, phải có điều kiện hỗ trợ để bảo đảm không bị lỗ kéo dài. Theo tôi, nguyên nhân khiến khan nguồn cung xăng dầu nghiêng nhiều về tài chính hơn là tổ chức hệ thống. |