Hoa Kỳ giảm nhập khẩu cà phê từ thị trường Việt Nam Nhiều tín hiệu tích cực từ xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ |
Tăng nhập khẩu trái cây, thủy sản, gỗ
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 01/2022 đạt 293,2 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng 12/2021 và giảm 5,2% so với tháng 01/2021. Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 01/2022 đạt 22,4 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng 12/2021 và tăng 69,8% so với tháng 01/2021. Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang Hoa Kỳ chiếm 7,6%, tăng 3,3 điểm phần trăm so với tháng 01/2021.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2022 |
Đối với ngành gỗ, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng 12/2021 và tăng 14,3% so với tháng 01/2021. Mặc dù trong tháng 01/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh. Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng 01/2022, trong đó dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ đạt 928,2 triệu USD, tăng 11% so với tháng 12/2021 và tăng 12,8% so với tháng 01/2021.
Đối với ngành thủy sản, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 872,5 triệu USD, giảm 3,1% so với tháng 12/2021, nhưng tăng mạnh so với các tháng 1 của 3 năm gần đây. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2022, đạt 199,8 triệu USD, tăng 81,9% so với tháng 1/2021, tăng 130,5% so với tháng 1/2020 và tăng 70,4% so với tháng 1/2019.
Những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong tháng đầu năm 2022 khi nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng cả kim ngạch và giá trị ở mức 2 con số, việc này được kỳ vọng các ngành hàng nông thủy sản chủ lực của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2022.
Hiện, Hoa Kỳ là vừa là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu nhưng đồng thời cũng là quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Dự báo năm 2022, xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ sẽ đạt trên 175 tỷ USD và giá trị nhập khẩu khoảng 165 tỷ USD, điều này cho thấy quy mô thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của Hoa Kỳ là rất lớn. Một số nhóm sản phẩm có tỉ trọng nhập khẩu lớn bao gồm thủy sản, nông sản nhiệt đới, gia vị chiếm đến trên 90%, rau quả tươi, hạt thực vật, nước trái cây tỉ trọng nhập khẩu chiếm từ 20 - 50%. Những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh cũng là nhóm hàng chiếm tỉ trọng nhập khẩu lớn.
Mặc dù Việt Nam được coi là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1 - 2% giá trị nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ nên có thể thấy dư địa xuất khẩu còn rất nhiều, quan trọng là chúng ta có khả năng đáp ứng được hay không.
Gia tăng kim ngạch xuất khẩu?
Chia sẻ những kinh nghiệm để đưa nông sản vào thị trường Hoa Kỳ và cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về tiếp cận thị trường này tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp diễn ra mới đây, bà Jolie Nguyễn - CEO Công ty LNS US LLC - Hoa Kỳ - cho biết, xứ cờ hoa là một thị trường khổng lồ với 333 triệu dân. Việc Trung Quốc đang dần bị loại ra khỏi thị trường Hoa Kỳ là cơ hội lớn cho Việt Nam do sức mua của thị trường Hoa Kỳ đang rất lớn, giá cả đang có xu hướng tăng. Ngoài ra nhu cầu và tập quán tiêu dùng đa dạng, môi trường và chính sách rất thuận lợi.
Với những thuận lợi từ thị trường, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ dự báo đạt 10 tỷ USD trong năm 2022 |
Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi chất lượng, tiêu chuẩn dành cho sản phẩm nhập khẩu cao, thực phẩm và dược phẩm đều được kiểm soát bởi Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Thị trường này cũng có tính nhất quán trong các sản phẩm và là một sân chơi lớn với tính chất cạnh tranh cao, công bằng.
Cũng theo bà Jolie Nguyễn, nông thủy sản Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan, Đài Loan, Mexico… Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc bảo quản suốt quá trình vận chuyển vì địa lý xa, không giữ được chất lượng nguyên vẹn ban đầu, đặc biệt là mặt hàng tươi không giữ được độ tươi lâu và bị giảm chất lượng. “Thị trường nông sản của Hoa Kỳ cũng rất mạnh dù chỉ có 17% người dân làm nông nghiệp. Nền nông nghiệp Hoa Kỳ được áp dụng công nghệ cao, cải tiến làm giảm số lượng lao động trực tiếp nhưng tăng chất lượng và sản lượng”, bà Jolie Nguyễn cho biết.
Hoa Kỳ là thị trường rộng mở đối với hàng nông sản nhập khẩu nhưng cũng chính vì đặc điểm này mà Hoa Kỳ cũng trở thành thị trường khó khăn và cạnh tranh bậc nhất. Việt Nam không chỉ phải cạnh trạnh với các nước có cùng chủng loại sản phẩm mà còn phải đấu ngay chính với các nhà sản xuất nội địa. |
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản vào thị trường này, bà Jolie Nguyễn cho rằng, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ luật tiểu bang, liên bang và các quy định riêng của ngành tại thị trường Hoa Kỳ. Trước khi bước vào thị trường mới, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, đặc biệt thị trường ngách, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường để ổn định.
“Nếu không thể tự mình phát triển thị trường với thương hiệu riêng, các doanh nghiệp có thể tham gia vào một hệ thống phân phối có sẵn, theo quy chuẩn của nhà phân phối. Đồng thời, tìm hiểu các đối tác chiến lược, các thỏa thuận, hiệp định quốc gia cho các dòng sản phẩm để nhận ưu đãi thuế quan và thủ tục”, bà Jolie Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài ra, các đơn vị cần giám sát truy xuất nguồn gốc rõ ràng minh bạch, tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Phải kiểm soát tốt các tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật nhằm đáp ứng tốt sự hài lòng và nhu cầu cho khách hàng bằng việc theo dõi quy trình chất lượng, bao bì, hình thức và đồng đều, ổn định chất lượng tại phân khúc mình đã chọn.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản nhiệt đới từ Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng thị trường Hoa Kỳ có tiêu chuẩn cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải làm ăn lâu dài, bài bản, đặt cam kết chất lượng lên hàng đầu. Bên cạnh đó, trong nhóm nông sản, những nhóm hàng tiềm năng như đồ gỗ, thủy sản, nhóm gạo, cà phê, rau quả vẫn còn khiêm tốn, do đó, doanh nghiệp có nhiều cơ hội và nên tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Riêng đối với ngành gỗ, với những thuận lợi từ thị trường, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ dự báo đạt 10 tỷ USD trong năm 2022. Dù có nhiều cơ hội, nhưng ngành công nghiệp gỗ, đặc biệt là ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng khốc liệt, các chuyên gia khuyến nghị cần thường xuyên đánh giá các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh, chuyển tải hàng hóa để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và lao động, với các yêu cầu đặt ra mạnh mẽ hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch 100 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với nhóm hàng nông sản, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 11,9 tỷ USD, chiếm 27,5% thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các thị trường. |