Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế
9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của ngành đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng, Việt Nam thu về gần 4,4 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: N.H) |
Cụ thể, 9 tháng, Việt Nam thu về gần 4,4 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá cao. Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng. Tháng 9, giá bình quân đạt 5.469 USD một tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 9 tháng, mỗi tấn cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.897 USD một tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê trở thành sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thông tin về những kết quả khả quan trong bức tranh xuất khẩu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, đây là con số cao kỷ lục, trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD.
“Rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam” - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – chia sẻ và cho hay, nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả của nước ta năm nay sẽ cán mốc 7 tỷ USD.
Cùng với mặt hàng cà phê và rau quả, hồ tiêu cũng là điểm sáng khi tính đến hết quý III/2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 203.000 tấn, thu về hơn 1 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 46,9% về giá trị. Nguyên nhân là bởi, giá hồ tiêu xuất khẩu tăng mạnh 49,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 4.941 USD/tấn. Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh – cho hay, Việt Nam là nơi cung cấp gia vị lớn trên toàn thế giới. ‘Chúng ta có một ‘mỏ vàng’ lớn và tôi cho rằng giá sẽ còn biến động trong vòng 5 năm tới’, ông Thông cho hay.
Tuy đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nhóm hàng dệt may vẫn duy trì phong độ khi mang về hơn 32,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, thời gian còn lại, dự kiến xuất khẩu dệt may mỗi tháng thu về hơn 4 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may dự kiến thu về hơn 41 tỷ USD.
Trong lĩnh vực da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam – thông tin, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành da giày – túi xách đạt 26 - 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2024.
Dư địa xuất khẩu rộng mở cho những tháng cuối năm
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% và nhập khẩu đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại 9 tháng năm 2024 xuất siêu là 20,79 tỷ USD.
Đến thời điểm này, Việt Nam có gần 50 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Kết quả có được từ chính sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính sách thương mại từ các quốc gia xuất khẩu chủ lực.
Xuất khẩu dệt may duy trì kim ngạch tăng trưởng ổn định. Ảnh: Băng Tâm |
“Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam từ nay tới cuối năm”, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT – chia sẻ và phân tích, thứ nhất, việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu từ các nước ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Số liệu cho thấy thị trường Mỹ dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay với mức tăng tới 26% so với cùng kỳ. Thứ hai, dòng vốn đầu tư từ Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc cũng tăng trưởng tích cực, cho thấy xu hướng dịch chuyến sản xuất sang Việt Nam đang được thúc đẩy.
Thứ ba, chu kỳ nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu, được dẫn dắt bởi các ngân hàng thương mại lớn tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại các thị trường này, từ đó gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, lạm phát hạ nhiệt tại nhiều nơi trên thế giới cũng đóng góp vào sự cải thiện của tiêu dùng. Thứ tư, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về IIP, PMI, đơn hàng xuất khẩu, FDI giải ngân,… cũng hé lộ về bức tranh xuất khẩu khả quan trong những tháng cuối năm 2024.
Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ, ông Đinh Quang Hinh dự báo, một số nhóm mặt hàng sẽ bứt phá trong xuất khẩu, bao gồm nông sản, thủy sản, dệt may, da giày do đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam và mức nền thấp của cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, những mặt hàng khác như linh kiện điện tử, máy vi tính, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan trong quý IV năm nay nhờ sự cải thiện của bức tranh kinh tế và môi trường đầu tư toàn cầu sau một loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi cho xuất nhập khẩu của Việt Nam phục hồi và bứt tốc. Nhiều ngành hàng sẽ được hưởng lợi từ động lực này như ngành cao su, dệt may, thuỷ sản, cảnh biển…
“Các doanh nghiệp cao su trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá trên thị trường thế giới. Đối với ngành dệt may, đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp tiếp tục được lấp đầy do tình hình căng thẳng chính trị ở Bangladesh đang có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, việc hình thành Chính phủ mới sẽ mất nhiều thời gian để ổn định lại, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp may mặc sẽ chuyển một phần đơn hàng qua các nước khác để giảm thiểu rủi ro và dự kiến Việt Nam sẽ được hưởng lợi tự việc dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh. Trong khi đó tồn kho hàng may mặc Mỹ vẫn đang duy trì ở mức thấp so với năm 2022”, Chuyên gia của Chứng khoán Yuanta cho biết.
Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi và được hỗ trợ từ nhiều yếu tố, tuy nhiên, vẫn còn những thách thức khó đoán định ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.
Theo đó, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn có thể gây ra những đứt gảy trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó có những tác động cả về mặt tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề giá cước vận tải biển có khả năng tăng nhiệt trở lại cũng sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thận trọng và luôn có những phương án dự phòng để đảm bảo giữ nhịp xuất khẩu từ nay đến cuối năm là giải pháp được các doanh nghiệp được đưa ra lúc này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro và tác động từ việc quá tập trung vào một thị trường hay một nhà cung cấp nhất định.