Năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều hộ nuôi cá tra đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch mùa vụ năm nay. Các ao hầu hết thả nuôi ở mức duy trì, hạn chế cho ăn và rất hiếm cơ sở nuôi thêm.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cá tra bị ảnh hưởng nhiều mặt bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng kỷ lục trong vài năm gần đây. Riêng giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.
"Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá tra ngay từ đầu năm 2022", VASEP cho biết.
Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng tăng là yếu tố khiến giá cá tra nguyên liệu bị đẩy cao. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng 25% so với cuối năm 2021, và chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đ/kg. Một số nơi thậm chí có giá cao hơn.
Sau 3 năm ảm đạm, ngành cá tra hồi sinh mạnh mẽ. Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), đến hết Quý I/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, và chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số. Điển hình là thị trường Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 94,6 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường xuất khẩu cá tra số một của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhu cầu tiêu thụ tăng, nhiều doanh nghiệp tận dụng triệt để cơ hội không bị áp thuế chống bán phá giá nên đã đẩy mạnh việc bán hàng sang thị trường này.
Ngoài Mỹ, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng trưởng 240% trong 2 tháng đầu năm, lên mức 86 triệu USD. Ngay cả châu Âu, thị trường chứng kiến 2 năm sụt giảm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang có dấu hiệu khởi sắc.