Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 8, giật cấp 9.
Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão phát lúc 8h00 ngày 7/9/2024 - Ảnh: Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương |
Tại Hải Dương do ảnh hưởng của rìa xa cơn bão số 3, trong đêm qua và sáng sớm nay toàn tỉnh đã có mưa với lượng phổ biến dưới 10mm, gió Tây Bắc cấp 5, giật cấp 6-7.
Hồi 07 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh-Thái Bình khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo tác động của bão, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương cho hay, từ sáng 7/9: Khu vực tỉnh Hải Dương có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 ( thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9).
Gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
Từ sáng nay 7/9 đến sáng 9/9 khu vực tỉnh Hải Dương có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa các nơi phổ biến như sau: Khu vực Đông Bắc Tỉnh: (gồm Thành phố Chí Linh, các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà): Lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 300mm.
Khu vực Tây Nam Tỉnh: (gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và thành phố Hải Dương): Lượng mưa phổ biến 180-280 mm, có nơi cao hơn.
Ngày và đêm 9/9, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực tỉnh Hải Dương vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc, sét và gió giật mạnh trước khi bão đổ bộ.
Dự báo tác động mưa lớn: Có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc. Đồng thời, làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông, có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường.
Bên cạnh đó, có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng.
Mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1.