CôngThương - Mặc dù hiện tại, giá cà phê cũng đang ở mức cao trên dưới 50.000 đồng/kg, tuy nhiên nhiều người dân vẫn đổ xô đầu tư vào cây tiêu, không mặn mà lắm với cây cà phê truyền thống.
Lý giải vấn đề này, anh Hoàng Văn Hùng ở Thị xã Buôn Hồ cho biết, mặc dù giá cà phê đang ở mức cao nhưng do lạm phát nên mọi chi phí đầu tư cho cà phê như phân bón, xăng dầu, nhân công… đều tăng rất mạnh; vả lại cây cà phê là loại cây cần đầu tư lớn, do đó mặc dù giá cao nhưng khi sau khi thu hoạch, trừ mọi chi phí người trồng cà phê chẳng còn lãi được bao nhiêu. Trong khi đó, cây tiêu thì ngược lại, giá tăng gấp gần 3 lần cà phê, chi phí đầu tư thấp nên lãi rất lớn.
Có lẽ đó cũng là nguyên nhân tại sao thị trường mua bán rẫy cà phê trong dịp này có vẻ ảm đạm hơn nhiều so với hồi năm 2004, khi giá cà phê lần đầu tiên vọt lên trên 40.000 đồng/kg thì người dân đổ xô mua đất trồng cà phê, người thành phố cũng săn lùng để tậu thêm rẫy cà phê với hy vọng đổi đời, nhu cầu đó hiện nay đã được chuyển từ cây cà phê sang hồ tiêu.
Giá tiêu tăng nhanh và đứng ở mức cao như hiện nay là nguyên nhân chủ yếu làm cho ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên lo lắng phá vỡ quy hoạch. Gia Lai là tỉnh nổi tiếng về cây tiêu, theo số liệu của Sở NN-PTNT Gia Lai, hiện diện tích tiêu toàn tỉnh đã tăng hơn 6.000ha, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh chiếm tới gần 4.000ha, diện tích còn lại nằm rải rác ở các huyện Chư Prông, Đắk Đoa...
Còn tại Đắk Lắk, theo quy hoạch của ngành nông nghiệp thì diện tích tiêu chỉ vào khoảng 5.000 ha, nhưng hiện tại diện tích tiêu đã vượt quy hoạch tới gần 1.000 ha và theo khuyến cáo của các nhà khoa học nếu ngành nông nghiệp Đắk Lắk không có biện pháp để kìm hãm sự lan tỏa của “cơn lốc hồ tiêu” thì chỉ vài năm nữa thôi, diện tích hồ tiêu của Đắk Lắk sẽ nhiều nhất nước và đạt khoảng 10.000 ha.
Theo các chuyên gia kinh tế thì cuộc khủng hoảng tiêu hiện nay bắt nguồn từ sự thiếu hụt số lượng tiêu giao dịch trên thị trường thế giới mà nguyên nhân đầu tiên là do Việt Nam (nước xuất khẩu tiêu số 1 thế giới) đã bán hầu hết số lượng tiêu trước đó, hiện tại theo ước tính của Hiệp hội Tiêu Việt Nam thì sản lượng tiêu còn lại trong kho của Việt Nam chỉ vào khoảng 15.000 tấn nhưng phần lớn lại nằm trong tay của các hãng kinh doanh lớn (khoảng 10.000 tấn).
Còn theo dự báo của một số hãng kinh doanh nông sản nước ngoài thì số lượng tiêu của Việt Nam chỉ còn khoảng trên dưới 12.000 tấn. Trong khi đó vụ mùa thu hoạch tiêu trên thế giới chưa tới, ít nhất là tới tháng 12 thì Ấn Độ mới bắt đầu thu hoạch tiêu và tiếp đến là Indonesia, Việt Nam, Brazil…
Chính do nguồn cung thiếu hụt mạnh đã đẩy giá tiêu thế giới tăng như vũ bão, hiện tại giá tiêu tại Ấn Độ được chào bán ở mức 7.550 USD/tấn, tại Brazil là 7.200 USD/tấn, còn giá tiêu chào bán của Việt Nam loại xô cũng đang ở mức 7.050 USD/tấn. Theo dự báo, giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng cao cho đến đầu năm 2012 khi các nước bước vào thu hoạch rộ.