Nguồn cung suy yếu, giá xuất khẩu cà phê tiếp tục neo ở mức cao nhất trong 2 tháng Tiếp tục tăng vọt, giá xuất khẩu cà phê chạm mốc đỉnh 4 tháng |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch 25/10, giá Arabica đã quay đầu giảm mạnh 3,48% sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng. Giá Robusta tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua với mức giảm 1,04%.
Giá cà phê giảm nhẹ sau khi đạt mốc cao nhất 4 tháng |
Thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy xuất khẩu đang tăng trưởng tốt tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong 24 ngày đầu tháng 10, quốc gia này đã xuất đi 2,61 triệu bao Arabica dạng hạt, gần gấp đôi mức 1,4 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Cùng trong thời gian này, gần 500.000 bao Robusta dạng hạt đã được xuất khẩu, cao hơn mức cùng kỳ tháng trước và tăng gấp 4 lần tổng lượng cà phê xuất đi trong tháng 10/2022.
Dù suy giảm nhẹ trong phiên hôm nay nhưng việc giá cà phê tăng mạnh thời gian qua đã giúp giá cà phê nội địa neo ở mức cao. Đơn cử, tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê nhân xô đang ở giao động ở mức 64.000 đến 65.000 đồng/kg, tăng đến hơn 20.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Với diện tích 210.000ha, hàng năm tỉnh thu hoạch hơn 520.000 tấn cà phê, chiếm trên hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của địa phương đến nay đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk đạt 1,586 tỉ USD, trong đó riêng cà phê đạt hơn 819 triệu USD, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu. Giá tăng cao là tin vui đối với người nông dân đang bám trụ, khai thác nguồn lợi từ cây cà phê trên địa bàn, nhất là thời điểm chính vụ năm 2023 đang đến rất gần.
Cà phê Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng |
Về xuất khẩu, cà phê Việt Nam đang được rất nhiều thị trường ưa chuộng. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Italia. 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường Italia đạt 117,85 nghìn tấn, trị giá 262 triệu USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 9/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Italia đạt mức 2.523 USD/tấn, tăng 6,2% so với tháng 8 và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Italia đạt mức 2.224 USD/tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến sang thị trường Italia tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái; ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica giảm mạnh. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta tăng từ 93,32% trong 9 tháng đầu năm 2022 lên 96,29% trong 9 tháng đầu năm 2023; ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê Arabica và chế biến giảm lần lượt từ 5,52% và 1,16% trong 9 tháng đầu năm 2022 xuống 2,56% và 1,15% trong 9 tháng đầu năm 2023.
Trước đó, sản lượng cà phê thu hoạch niên vụ 2022/2023 giảm tới 10-15% so với niên vụ 2021/2022 do thời tiết không thuận lợi. Dẫn tới, lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao 10% so với năm trước, nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng.
Hiện tại những ngày đầu tháng 10/2023, nông dân tại Việt Nam đã bắt đầu thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2023/2024. Điều này có thể giúp gia tăng nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới. Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày 25/10, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được thu mua quanh mức 60.100 - 61.000 đồng/kg.
Nhận định về ngành hàng cà phê trong lâu dài, một số chuyên gia cho rằng đến năm 2050, nhiệt độ tăng có thể làm giảm tới 50% diện tích thích hợp để trồng cây cà phê trên thế giới.
Hiện tượng thời tiết El Nino đang khiến các nước sản xuất hạt cà phê Robusta như Việt Nam hay Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Robusta chiếm 40% sản lượng cà phê toàn cầu. Còn hạt Arabica vốn được coi là chất lượng tốt hơn với giá cao hơn, chiếm tới 60% đang được trồng nhiều ở khu vực Mỹ Latinh cũng bị đe doạ. Sản lượng cà phê giảm sút, sẽ khiến giá cà phê tiếp tục tăng cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo.