Dự án ICRSL tạo chuyển biến tích cực trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong khoảng 100 năm nữa, vùng đất khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấp hơn mực nước biển khoảng một mét và các địa phương ven biển dự kiến mỗi năm sụt lún khoảng 1-1,5cm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm mất khoảng 500ha đất do xói lở. Tất cả những điều này đều khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, sản lượng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Sinh kế người dân gặp nhiều thách thức.
Các loại hình sinh kế giúp người dân cải thiện thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu |
Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các vùng lấy nông nghiệp là chủ đạo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì cuộc sống gia đình họ, trước khi nghĩ đến những vấn đề khác, trong đó có việc bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn lợi…
Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL) được tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), bắt đầu từ quý II/2016 đến năm 2022, nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong quản lý và sử dụng đất đai, nguồn nước tại một số tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án tập trung nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cho 8 tỉnh tại 3 vùng sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long: vùng lũ (An Giang, Đồng Tháp), vùng cửa sông ven biển (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) và vùng bán đảo (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu).
Dự án ICRSL bao gồm 5 hợp phần với 16 tiểu dự án, trong đó có 6 tiểu dự án về nâng cao khả năng quan trắc, dự báo, phân tích cơ sở dữ liệu và 10 tiểu dự án tập trung cho việc đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế cho các vùng được lựa chọn.
Có thể thấy, vài năm gần đây, tại vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, từ sự hỗ trợ của Dự án ICRSL, bà con nông dân đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất mới, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả cao. Mô hình canh tác 2 vụ lúa kết hợp nuôi vịt, cá... thuộc loại hình sinh kế mùa lũ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đạt lợi nhuận từ 36,5 - 50 triệu đồng/ha, đem lại niềm vui cho người dân.
Loại hình này không chỉ đạt lợi nhuận tốt, còn tăng hiệu suất sử dụng phân bón của lúa, giảm gấp 3 lần lượng thuốc trừ sâu, nâng cao phẩm chất hạt gạo và giảm giá thành sản xuất, giúp nông dân có thu nhập thêm từ nguồn thủy sản mùa lũ, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn.
Đơn cử như mô hình của ông Nguyễn Văn Vương, ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có 3ha đất ruộng. Ông triển khai áp dụng loại hình sinh kế mùa lũ canh tác 2 vụ lúa, nuôi vịt và dẫn dụ cá tự nhiên vào ruộng. Ông được tập huấn về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng dẫn các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, ghi chép sổ nhật kí... Với 3ha, mỗi năm gia đình ông Vương thu lợi nhuận từ 150 - 160 triệu đồng.
Dự án ICRSL đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cả cộng đồng |
Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp, Dự án thí điểm mô hình sinh kế mùa nước nổi tại Đồng Tháp ngoài giá trị kinh tế còn giúp bảo vệ môi trường. Các loại hình đều đơn giản, phù hợp với lao động nông thôn, thích ứng tốt hơn với điều kiện nước lũ thất thường, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giá trị cảnh quan sinh thái.
Hay tại tỉnh Bạc Liêu, Dự án ICRSL đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cả cộng đồng. Thông qua Dự án, nhiều loại hình sinh kế được triển khai. Có thể kể tới loại hình nuôi tôm sinh thái, nuôi cua, nuôi cá rô phi đơn tính… ở huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải đã triển khai rất hiệu quả.
Dự án đã giúp tạo sinh kế, việc làm, thu nhập và góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc khai thác quản lý và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.
Cũng như từ sự đầu tư của dự án, nhiều công trình giao thông, thủy lợi phục vụ cho sản xuất, dân sinh được tăng cường đầu tư và góp phần rất quan trọng vào phát triển hạ tầng các xã nghèo ven biển của tỉnh Bạc Liêu.
Còn tại vùng bán đảo Cà Mau, nông dân được khuyến khích thử nghiệm các loại hình sinh kế dựa vào tự nhiên. Có thể kể đến như nuôi thủy sản kết hợp vọp, ốc len, sò huyết hoặc nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn. Các cán bộ phụ trách sinh kế thuộc Dự án đã tập huấn, hướng dẫn nông dân phương pháp nuôi tôm sạch, sử dụng tài nguyên hiệu quả, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm - rừng là phương thức nuôi gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngặp mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn carbon xanh phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới.