Báo giấy (báo in) là loại hình báo chí ra đời sớm nhất tại Việt Nam. Trong quá trình phát triển, báo in đã gắn liền với nhiều cuộc cách mạng chống Pháp, Mỹ. Loại hình báo chí này giúp người dân lúc bấy giờ có thể nắm bắt thông tin về tình hình đất nước, cũng là công cụ để người dân học chữ trong quá trình tiêu diệt “giặc dốt”.
Cho đến nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các loại hình báo chí khác như phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử đã ra đời. Dù không còn ở vị thế độc tôn như trước đây, nhiều tờ báo gắn với lịch sử tại Việt Nam vẫn xuất bản hàng ngày, đem tới những thông tin quan trọng tới bạn đọc.
Nhưng gần đây, nhiều bạn trẻ đã có hành vi thiếu tôn trọng khi thực hiện trào lưu đốt, dày vò, thậm chí giẫm đạp lên một số tờ báo nổi tiếng.
Điển hình, cô gái chủ sở hữu tài khoản TikTok có tên Đỗ Hiền đã đăng tải video mặc quần áo trau chuốt nhưng lại cố tình đốt tờ báo và ném đi không thương tiếc.
Hầu hết các bình luận ở phía dưới video đều là lời khen ngợi vì cho rằng hành động cô đốt tờ báo và quay phim là "ngầu", thể hiện sự cá tính. Trong đó, một số ít bình luận đã thẳng thắn phê phán hành động của cô gái này.
Điển hình, một bình luận của người dùng Phạm Đức cho biết: "Không hiểu nghĩ gì mà đem tờ báo đi đốt để câu tương tác như vậy".
Tiếp đến, tài khoản có tên Hà Phương cho rằng tờ báo đã và đang đồng hành với mọi người, có lịch sử lâu đời. Vì vậy, tài khoản Hà Phương cho rằng bạn Đỗ Hiền cần phải gỡ video này.
Trước những lời phê phán, thay vì có tinh thần lắng nghe, cầu thị, Đỗ Hiền phản hồi rằng hành vi cô làm là vì yêu nước Việt Nam. Phát ngôn này được nhận định là có suy nghĩ lệch lạc bởi việc yêu nước không thể hiện qua những hành vi bồng bột với mong muốn đánh bóng tên tuổi như vậy. Đến việc tôn trọng công sức lao động của các nhà báo qua bao nhiêu thế hệ, Đỗ Hiền còn không làm được thì sao có thể khẳng định cô yêu nước đến nhường nào.
Đáng chú ý, hành vi đốt các tờ báo nổi tiếng, lâu đời… đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội, đặc biệt là ở TikTok. Nhiều bạn trẻ, cửa hàng trực tuyến đã đăng tải những video chàng trai, cô gái mặc quần áo lịch sự nhưng đã đốt báo, ném tro tàn xuống đất rồi giẫm đạp lên.
Tờ báo Thanh Niên bị một bạn trẻ đốt cháy. Ảnh chụp màn hình |
Sau khi đốt các tờ báo, nhiều bạn trẻ còn thực hiện hành vi mang hơi hướng tiêu cực. Ảnh chụp màn hình |
Trước các hành vi trên, bạn Trịnh Quốc Bình, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, cháu của một Thiếu tướng từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, cho biết, hành vi dày vò, đốt các số báo in là không thể chấp nhận được. Thực tế, ông nội tôi nâng niu những tờ báo giấy lắm. Hàng ngày, sau khi được phát nhiều tờ báo khác nhau, ông đều chăm chú đọc hết từng đoạn thông tin. Và dù có mang báo đi đâu, nơi cuối cùng ông cất giữ những tờ báo là trên bàn tiếp khách, một trong những nơi có vị trí long trọng nhất của gia đình tôi. Việc đó giúp các thành viên trong gia đình hoặc khách đến chơi nhà có thể cập nhật thông tin quan trọng về tình hình chính trị, xã hội của đất nước.
Như đã đề cập, các tờ báo in đều gắn liền với lịch sử của dân tộc. Điển hình, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, phóng viên đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, xông pha trên các mặt trận, chiến trường, kịp thời truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh tới cán bộ, chiến sĩ.
Cho đến nay, nhiều tờ báo in khác có truyền thống lâu đời như Báo Nhân Dân, Công Thương, Tiền Phong, Thanh Niên,… vẫn xuất bản đều đặn. Quy trình để xuất bản một số báo in rất khắt khe bởi phải thông qua nhiều khâu kiểm duyệt, đến tận cuối ngày mới có thể chốt được toàn bộ nội dung và mang tới nhà in.
Những tờ báo in vẫn đang được nhiều thế hệ nâng niu, trân trọng cho đến ngày nay. Ảnh: Trần Đình |
Đồng thời, nhiều tòa soạn báo hiện nay vẫn giữ truyền thống nâng niu các số báo bằng cách treo các tờ báo mới nhất trong lồng kính để phục vụ độc giả vãng lai, chụp hình lưu niệm. Do đó, hành vi thiếu tôn trọng như vò nát, đốt các tờ báo in để nổi tiếng cho đến nay đều được nhận định là thiếu tôn trọng, vô cảm với tình hình chính trị xã hội đất nước, cần loại trừ.