Vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Một bệnh nhi đã tử vong Khánh Hoà: 11 kết quả dương tính với thuốc bảo vệ thực vật ở các tiệm bánh mì Công bố nguyên nhân vụ gần 150 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Tháp |
Ngày 10/9, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 (địa chỉ tại số 138, đường Hùng Vương, khóm 3, phường An Thạnh, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc ngưng hoạt động. Ảnh: HLP |
Theo đó, Cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 do ông Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1987 làm chủ. Cơ sở bị xử phạt hành chính vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, có tổng số 149 ca ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì thịt có pate gan của hộ kinh doanh Cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12, không có trường hợp tử vong.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, cơ sở bánh mì trên bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính 90 triệu đồng. Đồng thời, cơ sở còn bị xử phạt bổ sung: Đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm của Hộ kinh doanh Cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12. Thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là 4 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, về biện pháp khắc phục hậu quả, buộc cơ sở chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm với số tiền hơn 383 triệu đồng.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Quyết định nêu rõ, việc không áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy thực phẩm do chủ hộ kinh doanh đã tự tiêu hủy thực phẩm gây ngộ độc ngay sau khi có kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp.
Như Báo Công Thương đã thông tin, ngày 6/8, Công ty may Thái Dương tại TP. Hồng Ngự mua 33 ổ bánh mì từ Cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12 để công nhân dùng trong ca làm việc đêm. Sau khi ăn bánh mì, 29 trong số 30 công nhân có triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Trong gần một tuần sau đó, nhiều người dân trong khu vực tiếp tục nhập viện với các triệu chứng ngộ độc sau khi ăn bánh mì từ cơ sở này. Tổng cộng có 149 người bị ngộ độc, bao gồm cả các công nhân của Công ty may Thái Dương. Sau một thời gian điều trị, tất cả bệnh nhân đã hồi phục, xuất viện, không có bệnh nhân chuyển nặng.