Triển khai tiêu chí số 7: Điều chỉnh phù hợp từng địa phương Hưng Yên: 100% xã đạt tiêu chí số 7 |
Sau hơn 10 năm tỉnh Đồng Tháp thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đồng Tháp ngày càng được nâng cao, từ đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đồng Tháp: Top đầu của cả nước thực hiện Tiêu chí số 7. Ảnh minh họa |
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 94,78%); 26/109 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (chiếm 23,85%); 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 269 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch…
Kế hoạch đặt ra cho năm 2023, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu có 8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 36/115 xã đạt nông thôn mới nâng cao (tăng 15 xã so với năm 2022); 1/36 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong lĩnh vực ngành Công Thương, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, Đồng Tháp là một trong các địa phương Top đầu của cả nước hoàn thành và vượt chỉ tiêu về hạ tầng thương mại nông thôn với 100% số xã đạt Tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới.
Với kết quả này, Đồng Tháp đã và đang đáp ứng về hạ tầng cơ sở thương mại chợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cũng như nâng cao thu nhập người dân.
Cũng theo bà Lê Việc Nga, hiện, Đồng Tháp cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023. Theo đó, Đồng Tháp đặt ra mục tiêu 36/115 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Hiện, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-BCT ngày 22/6/2022 về việc hướng dẫn và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới nâng cao khi có chợ nông thôn đáp ứng một trong hai điều kiện sau: Là xã có chợ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy định tại mục I Chương II của Hướng dẫn kèm theo Quyết định số 1214/QĐ-BCT và đồng thời có mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng một phần hoặc đầy đủ các tiêu chí quy đinh tại TCVN 11856:2917 về chợ kinh doanh thực phẩm; Là xã có chợ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy định tại Mục I Chương II của Hướng dẫ kèm theo Quyết định số 1214/QĐ-BCT và đáp ứng các yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm đã được quy định tại TCVN 11856:2917.
Như vậy, 36/115 xã để đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao có nghĩa là các xã này sẽ có chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của tỉnh Đồng Tháp.
Việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm sẽ đạt được đa mục tiêu. Vừa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn; thu hút được khách du lịch đến thu mua sản phẩm hàng hóa tại các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ nông thôn mới với mô hình chợ nổi sẽ giúp vừa đảm bảo tính an toàn thực phẩm, vừa gắn kết được vấn đề thương mại, du lịch,… đáp ứng được mục tiêu đa giá trị trong triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, bà Lê Việt Nga khuyến nghị, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể về các nguồn vốn Trung ương, vốn địa phương, cũng như thu hút nguồn vốn xã hội hóa để 36/115 xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều là chợ an toàn thực phẩm. Cùng với việc thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng chợ, thì việc thu hút được nguồn hàng đã được truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng.
Về phía Bộ Công Thương, hiện Bộ cũng đang triển khai chương trình an toàn thực phẩm và có hạng mục hỗ trợ địa phương xây dựng chợ an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, năm 2022, Đồng Tháp chưa đăng ký. Do đó, đề nghị địa phương sẽ nghiên cứu đăng ký để có thêm được nguồn vốn để nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Đồng Tháp đang là điểm sáng. Đặc biệt là trong công tác kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn từ các địa phương khác, trong đó, đã có những mặt hàng OCOP của Đồng Tháp đi vào các hệ thống siêu thị hiện đại với giá bán rất tốt.
Việc triển khai nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo sẽ đưa việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Đồng Tháp đi vào chiều sâu và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.