Tỉnh Hưng Yên hiện có 13 khu công nghiệp; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 17,8 vạn lao động. Mấy năm gần đây, Hưng Yên có rất nhiều khu đô thị (KĐT) mới được xây dựng với quy hoạch hiện đại và văn minh như: KĐT Ecopark (Văn Giang), Vincity Hưng Yên, KĐT V-GreenCity, KĐT Phố Nối B, KĐT Đại học Phố Hiến (1.000ha) thuộc TP. Hưng Yên và huyện Tiên Lữ… Do tập trung đông dân cư và người lao động, nên nhu cầu tiêu dùng thông qua các kênh bán lẻ như: Chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại... của các hộ dân sinh sống ở Hưng Yên tăng nhanh theo từng năm. Đây cũng là cơ sở để trong hành trình triển khai xây dựng NTM, vấn đề hạ tầng thương mại nông thôn được Hưng Yên đặc biệt chú trọng.
Hệ thống cửa hàng Điện Máy Xanh đã có mặt tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) |
Tính đến năm 2020, Hưng Yên đã có 107 chợ (trong đó có 9 chợ hạng I; 9 chợ hạng II và 89 chợ hạng III). Phần lớn các chợ có chức năng bán lẻ, kinh doanh hàng hóa tổng hợp, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Mạng lưới chợ truyền thống phát triển theo đúng quy hoạch thương mại, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong các khâu mua-bán, phân phối hàng hóa với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng cao trong dân cư.
Bên cạnh chợ truyền thống, việc đẩy mạnh triển khai mô hình đại lý, cửa hàng kinh doanh tổng hợp cũng được địa phương chú trọng. Ngoài các cửa hàng tiện ích hiện có, nhiều cửa hàng, đại lý phân phối khác cũng đang được các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn để mở rộng quy mô, trở thành những điểm bán hàng tin cậy của người dân.
Hiện, Hưng Yên có 9 siêu thị đang hoạt động, chủ yếu tập trung tại các huyện: Yên Mỹ, Văn Giang, Văn Lâm và TP. Hưng Yên. Hoạt động kinh doanh của các siêu thị, trung tâm thương mại với phương thức hoạt động văn minh, hiện đại đang góp phần làm đa dạng các hình thức thương mại bán lẻ và thay đổi thói quen mua sắm truyền thống của người dân trong tỉnh.
Theo Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đến năm 2025, tổng số chợ cần xây dựng mới là 26 chợ, 12 chợ nâng cấp cải tạo và 2 chợ di dời, giảm thiểu chợ cóc, chợ tạm; phát triển mới 10-11 siêu thị, 2-3 trung tâm mua sắm, 1 trung tâm bán buôn và logistics. Đảm bảo tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ trao đổi qua hệ thống chợ đạt 50%; hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống 25%; hệ thống phân phối hiện đại là 20%; các hình thức phân phối khác 5%.
Thời gian tới, thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, Hưng Yên sẽ thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá cơ sở hạ tầng các chợ trên địa bàn, đảm bảo 100% các chợ đạt chuẩn theo quy định. Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng; có chính sách thông thoáng, thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Coi trọng phát triển thương mại điện tử; khai thác, vận hành hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên.
Thực hiện xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp mạng lưới chợ trên địa bàn nông thôn tỉnh Hưng Yên đạt 88,88 tỷ đồng. |