Đồng Tháp: Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu đầu tư thiết kế bao bì, phát triển thương hiệu Đồng Tháp: Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống dịch bệnh |
Sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng hơn 6,2%
Theo nghi nhận, sau hơn 2 tháng Đồng Tháp chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các DN, đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến nông thủy sản. Trong đó, công suất sản xuất của các DN giảm còn 40- 50% so với thời điểm chưa bùng phát dịch. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 27,17% so với tháng trước và giảm 59,1% so cùng kỳ năm 2020.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Đồng Tháp kiểm tra phương án sản xuất “4 tại chỗ" Công ty TNHH Khải Phát Việt Nam - Khu Công nghiệp Sông Hậu. Ảnh Văn Khương |
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp nhìn nhận, tháng 9/2021, tiếp tục là khoảng thời gian khó khăn với các DN sản xuất, chế biến nông thủy sản. Tuy ở thời điểm hiện tại một số huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Tháp đã nới lỏng giãn cách, nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn còn, do đó tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi các vật tư, phụ liệu, bao bì … phục vụ cho sản xuất tăng, chi phí điện sản xuất và duy trì kho lạnh, chi phí cước vận chuyển tăng dẫn đến chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao, trong khi hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vượt khó của DN, sự thích nghi với tình hình mới, một số DN đã ổn định trở lại sản xuất.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2021 tăng 6,21% so với tháng trước và bằng 70,69% so cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, đa số các ngành hàng đều tăng sản lượng so tháng 8, cụ thể: Thủy sản chế biến đạt 11.291 tấn (tăng 7,6% so tháng trước và bằng 40,04% so với cùng kỳ năm 2020); thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản đạt 89.220 tấn (tăng 1,96% và bằng 47,24%); sản phẩm dệt may ước đạt 114.000 sản phẩm (tăng 40,55% và bằng 14,71%); gạo xay xát đạt 75.000 tấn (tăng 1,10% và bằng 65,24%)...
Đồng hành, hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh
Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp đánh giá, hiện nay các DN sản xuất kinh doanh đang phục hồi tương đối tốt, nếu trước đây có 102/431 DN sản xuất chế biến công nghiệp, đến nay đã tăng lên 190 DN. Nguyên nhân, Đồng Tháp đang từng bước phục hồi mở cửa nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho DN hoạt động trở lại.
Hiện nay, công suất sản xuất của các DN đạt khoảng 40-50%, dự kiến đến hết quý 4/2021 công suất sẽ tăng lên khoảng 80%, bởi vì có nhiều DN thu nhận công nhân, người lao động vào hơn bình thường và có những DN đang sản xuất cầm chừng khoảng 30% công nhân. Như vậy, DN hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “4 tại chỗ” đang dần phục hồi, vì DN không mất đơn hàng.
Nhằm hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND Đồng Tháp đang quyết liệt thực hiện các phương án hỗ trợ, khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh bám sát với bối cảnh kiểm soát dịch, trên nguyên tắc mở dần từng bước lộ trình kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, về chính sách hỗ tín dụng, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ…
Về phía ngành Công Thương, để tiếp tục hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Sở đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN.
Cụ thể, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan rà soát, xác nhận danh sách các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đang duy trì sản xuất, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Công văn số 5411, để cung cấp thông tin cho Công ty Điện lực Đồng Tháp, làm cơ sở thực hiện giảm tiền điện cho DN; làm việc với ngành điện để làm sao cung cấp điện ổn định, liên tục cho DN hoạt động sản xuất.
Sở cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chính sách nhanh cho công nhân, người lao động được hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ, đồng thời đề nghị ngành lao động hỗ trợ nguồn nhân lực cho DN; ngành Y tế tạo điều kiện sàng lọc công nhân đầu vào cho các nhà máy, xí nghiệp. Trước đây quy định xét nghiệm 2 lần âm tính Covid-19 mới đưa công nhân vào sản xuất, bây giờ Sở đề nghị giảm xuống còn 1 lần xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính thì đủ điều kiện bố trí vào sản xuất. Sau đó, thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định.
Hiện nay, số DN đã hoạt động lên gần 200 DN, nên nhu cầu lao động tiêm vắc xin mũi 1 còn khá nhiều. Nếu DN có yêu cầu thu nhận lao động để đảm bảo công suất sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp, thì cứ làm thủ tục sàng lọc đầu vào rồi đăng ký danh sách, ngành Công Thương sẽ hỗ trợ danh sách với chính quyền địa phương để tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động…
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Đồng Tháp khẳng định, nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, hiện Đồng Tháp tập trung tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất cho DN trên tinh thần xác định yếu tố an toàn tại DN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành lập mới.
“Điều đáng mừng là hiện nay cộng đồng DN Đồng Tháp đã có sự chuyển biến tích cực và chuẩn bị điều kiện để tái sản xuất, kinh doanh. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh triển khai các bước hỗ trợ DN tái sản xuất trong tình hình mới” - Chủ tịch UBND Đồng Tháp bày tỏ.