Ngày 21/5/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, bằng biện pháp nghiệp vụ, thời gian qua đơn vị này đã thực hiện theo dõi kinh doanh hàng hóa qua nền tảng thương mại điện tử và thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Kết quả, trong 5 tháng đầu năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 4 (cơ động) trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp cùng với các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất 22 vụ hoạt động kinh doanh hàng hóa thông qua các trang website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng và trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) trên địa bàn.
Đội Quản lý thị trường số 4 theo dõi phát hiện hàng hóa vi phạm là mỹ phẩm qua Zalo - (Ảnh: Đội QLTT số 4). |
Qua kiểm tra, các hành vi vi phạm phổ biến, bao gồm: Kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại đện tử nhưng không có thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định; thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nhưng không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; công bố không đầy đủ trên website thương mại điện tử thông tin về chủ sở hữu website; kinh doanh hàng hóa hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu...
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã xử phạt 357 triệu đồng; tịch thu 1.080 sản phẩm quần, áo không rõ nguồn gốc; 7 chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng; buộc tiêu hủy 550 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Lacoste, Polo, Ralph Lauren; 46 sản phẩm Máy đốt nóng tinh dầu; 398 sản phẩm Mỹ phẩm các loại, tổng trị giá tang vật gần 400 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, theo dõi chặt chẽ các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng thương mại điện tử, kịp thời có phương án, kế hoạch kiểm tra đột xuất và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.