Bình Dương: Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với mô hình “làng thông minh” |
Nhiều mô hình hay, hiệu quả được nhân rộng
Sau hơn 10 năm tỉnh Đồng Tháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đồng Tháp ngày càng được nâng cao, từ đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Mô hình "Cây xoài nhà tôi" đang được triển khai nhận rộng tại Cao Lãnh, Đồng Tháp (Ảnh An Nguyên) |
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh có 269 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch… Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp, nhiều mô hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng, phát triển đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Trong đó, một số mô hình nổi bất, hiệu quả trong qua trình thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu đã được tỉnh Đồng Tháp nhân rộng ra nhiều địa phương của tỉnh. Điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu "xoài Cao Lãnh" vươn xa; mô hình “Canh tác lúa thông minh” của Hợp tác xã Mỹ Đông 2 thực hiện thí đểm trên diện tích 7,6 ha/5 hộ đã tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất. Đến nay, mô hình đã nhân rộng lên 60 ha và được doanh nghiệp triển khai thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu đầu vụ…
Hay như mô hình “du lịch cộng đồng” tại homestay Tư Cá linh (huyện Tam Nông); ngôi nhà Hoa - Ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà Hoa Hồng (ở TP. Sa Đéc)... đã phát huy hiệu quả. Các mô hình đã đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Qua đó, du khách có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống của người dân Đồng Tháp.
Đặc biệt, nhiều “Hội quá” đã ra đời và phát triển từ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 92 “Hội quán” với gần 5.000 thành viên đã triển khai 110 mô hình hoạt động gắn với từng ngành, nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Đồng thời, chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể và đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 2021- 2025, Đồng Tháp tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 90%). Trong đó, có 31 xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 30%) và 3 xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 10%).
Để công tác xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực hơn trong thời gian tới, Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu, các Sở ban ngành liên quan rà soát lại công việc cụ thể của các địa phương để tiếp tục tập trung thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới, trong đó, duy trì phát triển tốt các mô hình hiệu quả.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó quan tâm vấn đề mở rộng thị trường nông sản. Cùng với đó, rà soát, nắm lại sản lượng, tận dụng kênh thương mại điện tử trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản, có sự trợ lực cho các sản phẩm OCOP 4 sao nâng lên 5 sao cung như rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn cho các ngành hàng chủ lực…
Nhìn chung, đến thời điểm này chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Tháp cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, điện, hạ tầng cơ sở thương mại chợ… đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.