Căn cứ Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2022 - 2023, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2023 và ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương Đồng Nai đề nghị các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình.
Chương trình được triển khai tập trung đối với các mặt hàng thiết yếu bao gồm: Gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thuỷ hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa - vở học sinh. Phương thức bán hàng được tổ chức theo phương thức bán hàng cố định, bán hàng lưu động.
Điểm bán hàng bình ổn giá (Minh họa) |
Kế hoạch được UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký và tổng hợp đăng ký tham gia chương trình của doanh nghiệp; Chủ trì, phối hợp các sở ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố theo dõi, kiểm tra kế hoạch dự trữ hàng hoá, hoạt động bán hàng.
Cụ thể, Sở Tài chính theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, giữ ổn định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về giá trong việc không thực hiện niêm yết, kê khai, đăng ký giá đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học phát triển mạng lưới bán sách giáo khoa, vở học sinh bình ổn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đề xuất chương trình bình ổn giá mặt hàng sách giáo khoa, vở học sinh cho niên học 2023 - 2024.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn, giới thiệu các trang trại, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, đầu mối cung ứng sản phẩm nông nghiệp (nông sản, thuỷ hải sản…) an toàn trên địa bàn tham gia hệ thống bán hàng bình ổn, thông tin đầu mối liên hệ về Sở Công Thương để tổ chức kết nối. Cung cấp thông tin về tổng đàn heo, gà và lượng tiêu thụ. Phối hợp vận động các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất mặt hàng thịt heo đăng ký cam kết tham gia Chương trình.
Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Kế hoạch và phối hợp với Sở Công Thương cung cấp tài liệu cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và Đài truyền thanh các huyện, thành phố, tổ chức tuyên truyền cho người dân biết thụ hưởng chương trình, đặc biệt là người dân tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc ít người đang sinh sống.
Công an tỉnh thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Kế hoạch và phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương hướng dẫn, cấp giấy phép lưu thông vào nội thành và đường hạn chế phương tiện 24/24h để xe của doanh nghiệp tham gia chương trình được lưu thông vận chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu đến các siêu thị, mạng lưới bán lẻ kịp thời trong trường hợp cần thiết, đảm bảo đúng mặt hàng, đúng đối tượng và tuyến đường cho phép.
Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an tỉnh, Sở Công Thương và UBND các địa phương hướng dẫn phương tiện của các cơ sở tham gia chương trình được lưu thông vào nội thành, nội thị, phân phối hàng hóa thiết yếu đến các siêu thị, mạng lưới bán lẻ kịp thời trong trường hợp cần thiết, đảm bảo đúng mặt hàng, đúng đối tượng và tuyến đường cho phép.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp- Thông tin, tuyên truyền đến các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về chương trình, tham gia, vận động các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu cùng với tỉnh. Rà soát, cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá thiết yếu trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và thông tin về Sở Công Thương để tổng hợp, chủ động vận động nguồn hàng trong trường hợp cần thiết.
Sở Y tế phổ biến cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, trên địa bàn thông tin về các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chương trình để kết nối tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm.
Cục Quản lý Thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của chương trình như treo băng rôn, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các điểm bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động. Kiểm tra, rà soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Quỹ trợ vốn phát triển hợp tác xã và Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai có trách nhiệm hướng dẫn, công bố rộng rãi tiêu chí, thành phần hồ sơ cần thẩm định vay vốn, giải ngân đối với các đơn vị tham gia chương trình có nhu cầu vay vốn, nhằm hạn chế, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Phối hợp UBND cấp huyện, thành phố trong công tác thẩm định vay vốn, giải ngân.
UBND các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về Chương trình, doanh nghiệp và điểm bán tham gia Chương trình để người dân trên địa bàn biết để mua sắm. Hỗ trợ, bố trí địa điểm phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia Chương trình tổ chức bán hàng cố định và lưu động trên địa bàn.