Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, với mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm đạt 8,2%, vượt xa mức trung bình cả nước. Tỉnh đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, ngành công nghiệp đóng góp hơn 60% vào GDP, cùng với sự phát triển tích cực của các ngành dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, kinh tế tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP, chất lượng ngành công nghiệp vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các ngành thâm dụng lao động. Đồng Nai phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, và giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp. Chưa hình thành được cụm liên kết ngành, sự gắn kết giữa công nghiệp với thương mại - dịch vụ và nông nghiệp còn hạn chế. Ngành thương mại dịch vụ chưa phát huy hết tiềm năng của tỉnh, với quy mô và chất lượng các loại hình dịch vụ còn nhỏ.
![]() |
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, với mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm đạt 8,2%, vượt xa mức trung bình cả nước - (Ảnh minh họa) |
Cùng với đó, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch, nhưng vẫn trong giai đoạn tạo quỹ đất cho đầu tư. Các phương án phát triển chưa dựa trên quy luật thị trường. Mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện, nhưng vẫn chậm. Động lực phát triển kinh tế chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Tây, trong khi khu vực phía Đông – Đông Bắc chưa tận dụng được tiềm năng.
Đô thị hóa và các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch, được xác định là động lực chính nhưng diễn ra chậm. Tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm còn chậm, gây lãng phí nguồn lực và ngăn cản thu hút đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, với tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn so với các địa phương khác.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, với tiềm lực khoa học công nghệ chỉ đạt mức trung bình. Cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ logistics, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, việc thực hiện quy hoạch còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, với một số dự án quan trọng chậm tiến độ và quản lý quy hoạch còn lỏng lẻo. Những hạn chế này phần lớn do thiếu sự phối hợp giữa các ngành, quy hoạch chưa đáp ứng thực tế, cũng như vấn đề về nguồn lực và tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp và du lịch.
Làm gì để phát huy tối đa tiềm năng?
Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tỉnh Đồng Nai đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội. Sự phát triển nhanh chóng của tỉnh không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước mà còn phản ánh những vấn đề cần giải quyết để phát huy tối đa tiềm năng của địa phương.
Theo Th.s Trần Thế Vũ – Sở Quy hoạch kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, một trong những vấn đề cấp thiết của Đồng Nai cần làm đó là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Mặc dù đã có những bước tiến trong đào tạo và phát triển nghề nghiệp, tỷ lệ lao động tại tỉnh này qua đào tạo vẫn còn thấp so với các địa phương khác. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cao kỹ năng, trình độ cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày càng khắt khe.
Tiếp đến, tỉnh Đồng Nai cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ và phù hợp. Cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay chủ yếu dựa vào công nghiệp chế biến, với sự phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Tỉnh cần phải đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, tăng cường phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực công nghệ thông tin để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính bền vững.
![]() |
Mục tiêu năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số, trong đó công nghiệp vẫn là mũi nhọn của kinh tế toàn tỉnh - (Ảnh minh họa). |
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cần đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Mặc dù tỉnh đang có những bước tiến trong phát triển hạ tầng giao thông, tiến độ triển khai vẫn còn chậm. Hệ thống hạ tầng không đồng bộ là một trong những yếu tố cản trở thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Cần phải có kế hoạch rõ ràng và chiến lược hợp lý để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, logistics nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Cùng với đó, Đồng Nai cần thực hiện đẩy mạnh cải cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh cần cải cách hành chính mạnh mẽ, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Môi trường đầu tư minh bạch sẽ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, từ đó thu hút nhiều dự án đầu tư có công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn.
Tiếp đến, Đồng Nai cần xây dựng các chiến lược ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp cũng là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đẩy mạnh phát triển du lịch, với lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Đồng Nai cần phát huy tiềm năng du lịch để tạo ra thêm nguồn thu cho ngân sách và tạo việc làm cho người dân. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, quảng bá hình ảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ là những yếu tố cần thiết để tỉnh có thể phát triển du lịch bền vững.
Trong tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, định hướng 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu biến Đồng Nai trở thành một tỉnh văn minh, hiện đại, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vươn lên nhóm đầu cả nước về thu nhập. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung vào ba định hướng chiến lược chính. Trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng truyền thống sang kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu Net Zero, đảm bảo phát triển bền vững và cân bằng giữa kinh tế với bảo vệ môi trường. Tăng cường nâng cao năng lực cạnh tranh, cần có các chiến lược đột phá, bao gồm cải cách hành chính. Thực hiện phát triển hạ tầng công nghiệp, giao thông và dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển hiện đại. |