Thu hút nhà đầu tư Nhật Bản Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhà đầu tư Nhật Bản |
Tính đến nay, Nhật Bản đã đầu tư 272 dự án với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD và xếp thứ 3 trong 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Đồng Nai.
Khu nhà xưởng công ty JSC tại KCN Nhơn Trạch III |
Trong đó một số dự án nổi bật như: Công ty TNHH Sản xuất Toàn Cầu LIXIL Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Đức có vốn đầu tư 441 triệu USD, Công ty TNHH YKK Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch III, vốn đầu tư 183 triệu USD. Hiện nhiều tập đoàn lớn với của Nhật Bản đều đã đầu tư vào Đồng Nai.
Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (KCN Long Đức, Xã Long Đức, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai) Vũ Hải Bình cho biết, SMC đã hoạt động tại Đồng Nai được 8 năm. Năm 2023, SMC chuẩn bị xây dựng thêm 8 xưởng sản xuất, tăng thêm nguồn vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của SMC lên 670 triệu USD.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, năm 2023 Aeon Mall đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện một dự án trung tâm thương mại tại thành phố Biên Hòa ngay trong năm nay. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, đánh dấu sự gắn kết trong hành trình dài cùng phát triển kinh tế - xã hội của hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và giữa Đồng Nai - Nhật Bản nói riêng.
Cùng với đó, trong lễ kỷ niệm 50 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/09/1973 – 21/09/2023) do Đồng Nai tổ chức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, thời gian qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được hai nước đặc biệt chú trọng. Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương. Đồng thời, Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau. Do đó, Đồng Nai sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản đến với Đồng Nai.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh Ono Masuo cho biết, tỉnh Đồng Nai được các doanh nghiệp Nhật Bản chọn làm điểm đến đầu tư kinh tế và tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân. Tính đến nay, tỉnh đã thiết lập quan hệ hợp tác cấp tỉnh với 7 đối tác của Nhật Bản, tập trung vào lĩnh vực chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp môi trường, chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng…
Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác giao thương giữa Đồng Nai và Nhật Bản đã được thiết lập từ nhiều thập niên qua, nhưng khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai bên tăng nhanh. Hiện Nhật Bản đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai (chỉ sau Hoa Kỳ).
Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Nhật Bản đạt trên 1,4 tỷ USD, chiếm 10,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vào thị trường này có giảm, nhưng dự báo sẽ tăng trở lại khi kinh tế thế giới phục hồi. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…
Đến nay, Đồng Nai đã thiết lập quan hệ hợp tác cấp tỉnh với 7 đối tác của Nhật Bản gồm: Cục Kinh tế thương mại và công nghiệp vùng Kansai, các tỉnh Hyogo và Ehime, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... Từ năm 2012, Đồng Nai đã ký kết rất nhiều bản ghi nhớ hợp tác cấp tỉnh và bản ghi nhớ cấp sở, ngành với Nhật Bản. Trong đó, việc ký kết hợp tác với Cục Kinh tế thương mại và công nghiệp vùng Kansai (Meti Kansai) với mong muốn mang lại những giá trị tốt đẹp về kinh tế - xã hội.
Đến thời điểm hiện tại, có hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Đồng Nai, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp Nhật Bản đều sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong tương lai, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động hai bên có thể tăng cường đầu tư ở nhiều lĩnh vực hơn nữa như văn hóa, du lịch, giáo dục…