Dẫn đầu về FDI
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhật Bản hiện đứng vị trí thứ nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2018 vốn đầu tư đạt 7,6 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài các nhà đầu tư mới, số lượng DN Nhật mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam ngày càng tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn cung ứng rất lớn, nhất là CNHT, song đến nay chỉ một số ít DN Việt có thể hợp tác cung cấp cho chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn Nhật Bản.
Nguồn lao động trẻ là một trong những điều kiện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài |
Ông Yoshiyuki Fukuda - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ (DNVVN) Tokyo - cho biết: Tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất trong khối ASEAN (khối tăng trưởng nhanh nhất thế giới), nguồn lao động trẻ là những điều kiện thu hút các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Song để thu hút đầu tư bền vững các DN Việt Nam cần tiến đến đạt các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất. Nhiều DNVVN có công nghệ xuất sắc của Tokyo đang có ý định hợp tác với DN Việt Nam bằng cách bán sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam hoặc theo chân các DN Nhật đã phát triển tại Việt Nam trước đó.
Nâng năng lực cho DN nội
Ông Nguyễn Thế Hưng - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh - cho hay, việc thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong đó có lĩnh vực CNHT sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam. Đồng thời, giúp cải thiện, tăng cường năng lực cạnh tranh của DN Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Idei Ippei - Chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Mimh - cho biết: Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành CNHT của Việt Nam năm 2017 nằm ở mức thấp nhất trong 6 quốc gia được JETRO khảo sát, chỉ đạt 33,2%, giảm so với 34,2% của năm 2016. Còn nếu chỉ tính tỷ lệ cung ứng từ DN nội địa thì chỉ đạt 13,1% (dưới mức tiêu chuẩn). Trong khi đó, tỷ lệ cung ứng từ DN nội địa của Thái Lan năm 2017 là 23,7%; Indonesia 20,2%; Malaysia 18,8%; Philippines 14,5%; Trung Quốc lên tới 40%.
Khảo sát của JETRO cũng cho thấy các DN Nhật Bản tại Việt Nam băn khoăn trong thời gian tới làm gì để tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa lên 79% nhằm giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng và phân tán rủi ro cho các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam.
Để thực hiện điều này, vừa qua Trung tâm hỗ trợ DNVVN Tokyo đã thành lập Ban hỗ trợ DNVVN Tokyo tại Việt Nam nhằm kết nối giao thương cho DN hai nước, tìm hiểu trực tiếp khi có nhu cầu hợp tác liên kết, nhất là các DN ngành CNHT. Hay JICA cũng đang thực hiện các dự án nâng năng lực cho DN CNHT Việt Nam bằng cách chọn các DN CNHT Việt Nam triển khai tiếp cận kiến thức quản lý theo mô hình 5S của Nhật và phương pháp Kaizen.
Chương trình hỗ trợ đào tạo DN ngành CNHT của JETRO thực hiện ở Việt Nam đã lên danh sách 158 DN có triển vọng thuộc các lĩnh vực gia công kim loại, khuôn đúc, khuôn nhựa, linh kiện điện, điện tử, xử lý bề mặt. |