Đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP đang ngày càng suy giảm
Đóng góp 3,7% vào cơ cấu kinh tế quốc dân
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Hợp tác xã 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Cùng với việc ban hành Luật HTX năm 2012, khung khổ pháp lý về HTX cũng dần được hoàn thiện, tác động tới phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trên nhiều mặt, tạo điều kiện cho HTX chủ động phát triển các hoạt động phục vụ thành viên và kinh doanh theo tín hiệu thị trường.
Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại các HTX thấp hơn mức bình quân cả nước |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau gần 10 năm triển khai Luật HTX năm 2012 đã nảy sinh một số tồn tại, bất cập. Cụ thể, Đảng xác định, khu vực KTTT, trong đó nòng cốt là các HTX, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, mức độ đóng góp của khu vực KTTT vào cơ cấu kinh tế quốc dân ngày càng suy giảm, từ trên 5% vào năm 2013 xuống còn gần 3,7% vào năm 2020.
Trong khi đó, tỷ trọng KTTT, HTX đóng góp trong nền kinh tế quốc dân ở một số quốc gia trên thế giới rất đáng kể, như: New Zealand, HTX đóng góp 20% GDP, chịu trách nhiệm 95% thị trường sữa nội địa và 95% kim ngạch xuất khẩu sữa. Còn tại Singapore, có khoảng 1,4 triệu thành viên HTX, nắm giữ 18 tỷ USD tổng tài sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, những năm tới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực KTTT của nước ta còn tiếp tục giảm. Trong khi đó, thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX rất thấp, đạt trung bình năm 2020 là 51,31% triệu đồng/người so với mức bình quân cả nước là 63,61 triệu đồng/người.
“Do vậy, việc phát triển khu vực KTTT không những không đạt, mà ngày càng xa mục tiêu “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế” tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đề ra” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) chuẩn bị trình Chính phủ.
Nâng cao vai trò, hiệu quả của kinh tế tập thể
Thực hiện Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ vào tháng 12/2021.
Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu chung của việc xây dựng dự án Luật HTX (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định rào cản HTX tham gia thị trường, phát triển thành viên, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT, HTX. Phát triển HTX bền vững, lâu dài để HTX thực sự là ngôi nhà chung, một xã hội thu nhỏ cho tất cả các thành viên, được tự do đóng góp, cống hiến và làm việc trọn đời.
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật HTX (sửa đổi) sẽ tập trung vào 8 mục đích, bao gồm: Một là, tạo môi trường KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng nhiều loại hình, đối tượng tham gia. Làm rõ vị trí, vai trò của các tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện trong khu vực KTTT hiện nay để các tổ chức này hoạt động một cách hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới; Hai là, sửa đổi, hoàn thiện các quy định gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX, cản trở sự phát triển trong sản xuất, kinh doanh, gia nhập thị trường, hội nhập quốc tế của HTX, Liên hiệp HTX; Ba là, phân loại thành viên tham gia HTX, quy định quyền lợi, trách nhiệm phù hợp với từng loại thành viên tham gia vào hoạt động của HTX. Từ đó tạo môi trường dân chủ, bình đẳng thu hút nhiều đối tượng tham gia là thành viên HTX, cùng góp vốn, góp sức cho HTX. Giúp khu vực KTTT phát triển những HTX có quy mô lớn về thành viên, vốn và giá trị kinh tế; Bốn là, hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý tài sản, tài chính hiện hành, nhằm tạo điều kiện HTX huy động vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển tài sản không chia của HTX; Năm là, hoàn thiện cơ cấu tổ chức hoạt động HTX, Liên hiệp HTX nâng cao tính minh bạch và kỷ luật trong quản lý HTX, Liên hiệp HTX thông qua kiểm toán; Sáu là, nâng cao hiệu quả, chất lượng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước. Thống nhất được các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT đang còn dàn trải. Bảy là, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đơn giản hoá và rút ngắn thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tám là, quy định rõ hơn bản chất HTX theo những nguyên tắc chung của Liên minh HTX quốc tế, tạo điều kiện cho HTX ở nước ta hội nhập, phát triển.
Dự kiến, tháng 12/2021 Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) và đến đầu năm 2022, Chính phủ sẽ tổ chức phiên họp thảo luận, ra Nghị quyết về đề nghị xây dựng Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi). |