Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức trong xúc tiến thương mại
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 06/09/2024 13:33
Cơ hội và thách thức trong xúc tiến thương mại
Sáng nay, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ.
Theo đó, mặc dù có tiềm năng lớn, tuy nhiên việc xúc tiến thương mại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả. Việc hỗ trợ doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực và hiệu quả mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Ngân Nga |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: "Việc tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động liên kết vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu”.
Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - phát biểu tại hội nghị. Ảnh Ngân Nga |
Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cũng nhận định: “Thời gian qua, TP. Cần Thơ cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn hạn chế năng lực cạnh tranh cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng”.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, sau những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục mạnh mẽ, mở ra những cơ hội mới đầy hứa hẹn cho hoạt động giao thương quốc tế. Các thị trường lớn như EU, Mỹ và Trung Quốc, những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đã có những tín hiệu tích cực với lạm phát giảm, chuỗi cung ứng ổn định và kinh tế dần phục hồi. Điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, tham gia sâu rộng vào các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho rằng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần tổ chức hội chợ chuyên ngành với quy mô vùng. Ảnh: Ngân Nga |
Đồng thời, với sự phát triển của đa dạng các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long quảng bá hàng hoá đi tới nhiều thị trường xa.
Bên cạnh những cơ hội, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng chỉ ra những khó khăn trong việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ xúc tiến thương mại. Nhiều địa phương chưa có đủ các trung tâm hội nghị, triển lãm hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức các sự kiện quy mô lớn, thu hút đầu tư và quảng bá sản phẩm.
Bà Võ Hồng Anh – Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ. Ảnh: Ngân Nga |
Trong khi đó, công tác xúc tiến thương mại ở Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu sự đồng bộ. Các hoạt động thường chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức. Mặc dù đã những năm gần đây dù đã có xu hướng xây dựng các kế hoạch phối hợp, gắn kết các tổ chức khác trong vùng để cùng chung tay thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn nhưng số lượng các hoạt động này chưa nhiều.
Cùng quan điểm, bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết: “Xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường Châu Âu - Châu Mỹ còn gặp trở ngại như khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận tải cao… Các thị trường như Mỹ Latinh thì doanh nghiệp còn gặp trở ngại về ngôn ngữ khi họ chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha trong kinh doanh, giao tiếp. Các kênh phân phối mà hàng nông thủy sản Việt Nam tiếp cận được cũng còn rất hạn chế, chủ yếu là các công ty thu mua. Trong khi các công ty chế biến, tổ chức bán buôn, bán lẻ, hầu như Việt Nam chưa tiếp cận được. Trong khi đó, mức độ nhận thức của các doanh nghiệp nhập khẩu nước bạn đối với chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam còn thấp”.
Đồng thời, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của các hoạt động lớn, cần sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh. Mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng chưa có tính liên kết thực sự chặt chẽ và hiệu quả dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh Ngân Nga |
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết: “Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa người bán và người mua trên các sàn thương mại điện tử còn hạn chế, đặc biệt là việc đưa các sản phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long đến với các thị trường tiềm năng cả trong và ngoài nước”.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dù có sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh, rất tiềm năng để đưa ra thị trường quốc tế nhưng còn thụ động trong công tác xúc tiến thương mại. Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và khả năng tiếp thị xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng còn hạn chế.
Ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Ngân Nga |
Ông Tô Minh Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu - chia sẻ: “Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường thế giới và luật pháp quốc tế; chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ; chưa chủ động tiếp cận thị trường mới”.
Cần loạt giải pháp đồng bộ
Theo ông Vũ Bá Phú, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên ba lĩnh vực chính.
Đó là cung cấp thông tin về chính sách, quy định, xu hướng, nhu cầu và cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu doanh nghiệp qua các sự kiện kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các thị trường tiềm năng đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA); tổ chức định kỳ các cuộc họp trực tuyến với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để trao đổi về tình hình thị trường, chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp; biên soạn và phát hành nhiều tài liệu hữu ích như sổ tay hướng dẫn xuất khẩu, bản tin thị trường, nhằm trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức cần thiết để thâm nhập thị trường quốc tế; tổ chức các phiên tư vấn trực tiếp với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, giúp doanh nghiệp đánh giá tiềm năng sản phẩm, tìm kiếm thị trường ngách và xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả.
Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh: “Phải tổ chức các buổi xúc tiến thương mại chuyên ngành quốc tế, hội chợ, triển lãm quy mô vùng thì mới tạo được thương hiệu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Ngân Nga |
Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương qua hình thức trực tuyến với toàn bộ các thị trường có hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức các đoàn giao dịch thương mại đi khảo sát, làm việc trực tiếp với khách hàng nhập khẩu, phân phối nước ngoài, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp ở nhiều thị trường mục tiêu khác nhau; tổ chức, tham gia đa dạng các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế ở trong nước và nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các nền tảng số, mạng xã hội,..
Ông Đặng Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: “Trong thời gian qua Tiền Giang chú trọng đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ doanh nghiệp, vận dụng linh hoạt trong khuôn khổ qui định các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu, đào tạo cung ứng lao động; xúc tiến thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm”.
Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ. Ảnh: Ngân Nga |
Ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - chia sẻ: “Thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, kết nối chuỗi sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ”.
Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu cho doanh nghiệp. Trong đó, tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức về thương hiệu sản phẩm và gắn thương hiệu với giá trị của sản phẩm cho doanh nghiệp.
Tổ chức đa dạng các khoá đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu, hướng dẫn cách thức tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, triển khai trực tiếp trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Công Thương đã hướng tới hỗ trợ đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn tiếp cận với bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, hình thức bán hàng trực tuyến livestream, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương cũng những ý kiến từ phía đại diện Sở Công Thương các tỉnh và doanh nghiệp, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tích cực tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Thứ trưởng cũng mong muốn các tỉnh trong khu vực thống nhất chọn thương hiệu của vùng, xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững,..