Đẩy mạnh liên kết vùng - chìa khóa giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
Tin hoạt động 06/09/2024 10:01
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND Cà Mau đồng chủ trì.
Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics...
Hội nghị này là một trong chuỗi 6 hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Ngân Nga |
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước.
Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Thời gian qua, chất lượng tăng trưởng của vùng được nâng lên với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng ước đạt 6,12%; một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.
Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 6,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Ba địa phương có kim ngạch tỷ USD lần lượt là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
Về nhập khẩu, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhập khẩu hàng hóa đạt 6,48 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Hai địa phương có kim ngạch nhập khẩu tỷ USD của vùng là Long An và Tiền Giang.
Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như quy mô kinh tế của vùng chỉ chiếm hơn 12% so với cả nước.
“Tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động liên kết vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngân Nga |
Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng cần có định hướng và tầm nhìn phát triển là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.
“Tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi rất mong đại diện các địa phương trong vùng cùng tập trung trao đổi và bàn thảo giải pháp tăng cường các mặt mạnh, giảm thiểu mặt yếu nội tại của vùng để góp phần đưa những hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới như phương hướng đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; chuyển đổi số và liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng; phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng; sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.
Về phía Bộ Công Thương, tôi đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng lưu ý và cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.
Bên lề hội nghị là không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.