Khu vực“5 nhất”
Theo Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Mặc dù, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng tỷ lệ hộ nghèo khu vực này vẫn chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước.
Trước vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – đoàn Bạc Liêu nhấn mạnh, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Nếu so với mặt bằng chung cả nước thì đây vẫn còn “5 nhất”. Đó là: khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đến năm 2020 là tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện quyết liệt các chính sách dân tộc đã ban hành; nỗ lực cao nhất để làm chuyển biến rõ rệt đời sống của đồng bào ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, địa bàn miền núi khu vực duyên hải miền Trung. |
Lý giải nguyên nhân, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, việc cân đối nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi chưa đáp ứng yêu cầu và còn thấp so với kế hoạch và nhu cầu vốn. Nhiều quyết định về chính sách cơ bản hỗ trợ cho đồng bào mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa được cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện. Đồng thời, còn hàng trăm ngàn hộ đồng bào đang cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tiếp cận tín dụng chưa được xem xét, giải quyết.
Đại biểu Đinh Duy Vượt - đoàn Gia Lai cho rằng, vùng đồng bào dân tộc, miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước. Thu nhập bình quân các hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân cả nước. Bên cạnh đó, vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo; học trung học phổ thông chỉ đạt 42%... Những tồn tại này có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến thiếu nguồn lực, việc bố trí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong 3 năm qua chỉ đạt 52,15% tổng nhu cầu vốn.
Ưu tiên đủ nguồn lực phát triển
Để vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị, Chính phủ quan tâm, xem xét cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù. Mặt khác, khi nguồn lực còn hạn hẹp, việc thực hiện chính sách cho đồng bào mang tính dàn trải, nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý, thực hiện chính sách nhưng không rõ trách nhiệm nên không tránh khỏi chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và phạm vi thực hiện. “Vì vậy, cần ban hành nghị quyết về chính sách dân tộc, một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, định hướng lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, trên cơ sở tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý và phân công rõ trách nhiệm, ưu tiên đảm bảo nguồn lực, nhất là các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số” - đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Xuân Hòa - đoàn Lạng Sơn bày tỏ, theo Báo cáo Chính phủ, cuối năm 2017 còn gần 85.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, trong đó một số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tổng số hộ nghèo cao trên 80% như Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn... Chính vì vậy, trong điều kiện nguồn lực có hạn cần thực hiện ưu tiên vào các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm phấn đấu xóa bỏ tên gọi “túi nghèo”, “lõi nghèo” trong các văn bản. Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh để các tỉnh chủ động triển khai nhiệm vụ giảm nghèo phù hợp với đặc điểm, nguyên nhân nghèo của từng địa phương cụ thể.
Đại biểu Triệu Thị Huyền - đoàn Yên Bái cũng cho rằng, hiện nay có tới 118 chương trình chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng việc bố trí nguồn lực để thực hiện lại rất hạn chế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm, hàng năm cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi.