Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, chỉ số IIP tháng 10 tăng 5,5% Infographics | Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực |
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục có những tín hiệu tích cực.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây
Trong Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất trong 10 tháng đã có sự phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (8 tháng trước đó liên tục đạt mức tăng trưởng âm).
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực trong tháng 10/2023. |
Mức tăng IIP trong tháng 10 là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 4/2023 đến nay). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.
Tuy nhiên, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 10 tháng, IIP tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước, là: đường kính tăng 35%; phân hỗn hợp NPK tăng 17,5%; ti vi tăng 8,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,3%; sơn hóa học tăng 7,7%; sữa tươi tăng 7,4%; thép cán tăng 7,2%; sắt, thép thô tăng 5,8%...
Nhiều giải pháp trọng tâm để tăng tốc
Theo Bộ Công Thương, Bộ đang tập trung những giải pháp trọng tâm như: tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp; kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, trong thời gian qua, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Bản thân các doanh nghiệp công nghiệp cũng nỗ lực dồn sức cho nhưng tháng cuối năm…Đơn cử như tại Công ty TNHH May Kim Bình, Cụm công nghiệp Kim Bình (thành phố Phủ Lý), nếu như từ nửa đầu năm 2023 trở về trước, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực dệt may, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh; chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh, nhưng nhờ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, May Kim Bình đã “giữ chân” được nhiều đối tác quan trọng và đẩy mạnh sản xuất từ cuối quý II/2023 khi doanh nghiệp tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng mới cho quý IV/2023 và những tháng đầu năm 2024. Thời điểm này, công ty vẫn đang tăng tốc sản xuất và liên tục tuyển dụng thêm công nhân lao động để đáp ứng tiến độ các đơn hàng cuối năm.
Về phía Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…