Doanh nghiệp dệt may "bắt nhịp" phát triển bền vững Dệt may Việt Nam dần lấy lại sức cạnh tranh |
Đơn hàng tăng nhưng chậm cải thiện về giá
Ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quý I năm nay xuất khẩu dệt may đã khởi sắc hơn, đơn hàng khá dồi dào, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến quý III.
“Tuy mức giá xuất khẩu chưa được như mong muốn nhưng đã bắt đầu có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp dệt may chuyển từ trạng thái “cái gì cũng làm” sang trạng thái có lựa chọn nên ký hay không, ký bao nhiêu, không ký nhiều quá trong điều kiện giá vẫn còn thấp...”, ông Cẩm cho hay.
Với Công ty TNHH Tổng công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex, 6 tháng đầu năm nguồn hàng tương đối dồi dào so với năm 2023 nhưng đơn giá gia công vẫn chưa quay trở lại so với thời điểm 2019 – năm trước dịch Covid-19.
“Chông chênh” đơn hàng dệt may nửa cuối năm. Ảnh Cấn Dũng |
Việc đơn hàng tốt lên được ông Nguyễn Hùng Quý- Tổng giám đốc Công ty TNHH Tổng công ty Dệt may Miền Nam – Vinate cho rằng, một phần là do sự dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia chứ không phải do tín hiệu tích cực từ các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ hay EU. Sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất này bắt nguồn từ một số quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc sang thị trường Việt Nam.
Với thị trường Mỹ - thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng… đang “nóng” dần khiến các nhãn hàng phải tính toán và chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia láng giềng và đây là một trong những xu thế tạo ra đơn hàng cho dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Tương tự, với Tổng công ty CP Dệt Hòa Thọ, qua làm việc với đối tác và các nguồn hàng, bà Hoàng Thùy Oanh- Phó Tổng giám đốc công ty thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng hàng có nhiều tín hiệu tích cực, đơn hàng tại Hòa Thọ cũng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2024, các khách hàng đã có kế hoạch dài hơn so với 2023. Nếu như năm 2023 hầu hết khách hàng chỉ đặt hàng trong vòng 3 – 4 tháng thì bước sang 2024 đã có kế hoạch dài hơn 5 – 6 tháng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến về kế hoạch đặt hàng, còn hầu hết khách hàng tương đối thận trọng, từ lúc đặt đơn hàng chính thức cho tới xuất hàng chỉ 90 – 110 ngày. Do đó, các đơn vị trong doanh nghiệp phải theo dõi bám sát tình hình đơn hàng để có công tác chuẩn bị sản xuất tốt mới đáp ứng được tiến độ giao hàng.
Còn nhiều áp lực trong dài hạn
Doanh nghiệp dệt may trong nước chưa kịp mừng với hiện trạng đơn hàng khởi sắc nửa đầu năm 2024 đã phải lo đơn hàng cho nửa cuối năm.
Dù đang làm việc với rất nhiều đối tác nhưng theo lãnh đạo Công ty TNHH Tổng công ty Dệt may Miền Nam – Vinate, vẫn chưa thể chốt được đơn do khách hàng còn tương đối dè chừng trước diễn biến của thị trường.
Bà Nguyễn Hồng Liên- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cũng cho hay, với đơn hàng dệt kim 6 tháng cuối năm 2024, mặc dù các khách hàng đang thực hiện nhiều giao dịch cho quý III, thậm chí có khách hàng đã triển khai một số chương trình cho quý IV nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức dự báo chứ chưa ký kết và chốt số lượng đơn hàng để sản xuất.
Điều khó khăn nhất hiện nay của thị trường là thời gian giao hàng ngắn nhưng số lượng và quy mô đơn hàng lại tăng lên. Nếu như năm 2023 quy mô đơn hàng có tính chất nhỏ, đa đạng thì sang năm 2024 các đơn hàng đã có quy mô hàng trăm nghìn, thậm chí trên 1 triệu sản phẩm, nhưng thời gian giao hàng rất ngắn, đòi hỏi đơn vị phải tổ chức sản xuất với nhịp độ nhanh, năng suất cao mới đáp ứng được tiến độ đơn hàng.
“Để đưa ra nhận định về thị trường 6 tháng cuối năm, hầu hết tất cả các khách hàng đều đồng tình rằng rất khó để có thể đưa ra những con số cụ thể như 6 tháng đầu năm. Do đó, ngoài việc bám sát diễn biến của thị trường, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng khung kịch bản mới, giúp quản trị sản xuất ổn định nếu như thị trường đột ngột đảo chiều so với 6 tháng đầu năm 2024”, bà Liên nói.
Áp lực của các doanh nghiệp dệt may trong nước trong nửa cuối năm 2024 không chỉ là đơn hàng thiếu ổn định mà còn bởi nhiều yếu tố.
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may nhận định, năm 2024 chưa phải là năm sáng sủa mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt. Đặc biệt việc tăng phí từ vận tải biển do xung đột biển Đỏ, khách hàng gây áp lực buộc doanh nghiệp dệt may phải chia sẻ. Bên cạnh đó là áp lực thời gian giao hàng lớn khi tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng.
Song áp lực lâu dài với ngành dệt may đó là những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường. Đơn cử, thị trường EU đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, chiến lược dệt may bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được. Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây.
Hoặc nhiều nhãn hàng đưa ra yêu cầu từ nay đến 2030 phải sử dụng 30% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đến năm 2050 con số này phải là 100%. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải có lộ trình thực hiện đến năm 2050. “Nếu điện áp mái doanh nghiệp không làm được thì phải mua tín chỉ carbon… những điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.
Ngoài ra, vấn đề lao động cũng là khó khăn lớn với ngành may trong năm 2024. Đơn hàng hiện nay không thiếu nhưng thiếu lao động. Bởi nửa đầu năm 2023 gần 80.000 lao động mất việc làm. Lao động về quê tìm việc và không quay lại nữa. Các địa phương cũng có chính sách tuyển dụng lao động đi hợp tác nước ngoài. Thậm chí những chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội cũng tạo ra những biến động lao động. Cùng đó là các loại chi phí đầu vào sản xuất đều tăng như lương tối thiểu tăng… nhưng giá sản phẩm không tăng.
Để gỡ khó một phần cho doanh nghiệp, ông Cẩm cho rằng Chính phủ đã đưa ra chính sách 120.000 tỷ đồng xây nhà ở xã hội cần đẩy nhanh để giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, điều này cũng gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, không cách nào khác phải bám sát thông tin thị trường, nắm bắt đúng thời điểm xuất nhập khẩu, điều hành sản xuất kinh doanh nhanh, gọn, linh hoạt và kiên quyết.