Tôi thức dậy lúc sáng sớm sau một đêm khó ngủ tại Đồn Biên phòng Săm Pun bởi tiếng xe ô tô ầm ì chạy suốt đêm. “Ở vùng biên heo hút này sao nhiều xe hàng thế?” – tôi đem băn khoăn đó, hỏi những người lính biên phòng trong tuần trà chào buổi sáng. “Tiếng gió đó nhà báo ơi. Đặc sản ở đây là gió mà”. “Trời, gió rít khủng khiếp thế sao” – tôi thốt lên. Một cán bộ biên phòng tiếp lời: “Ở đây, gió làm cho cây không lớn nổi ấy chứ”. Gió, sương muối, đất đai khô cằn là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả canh tác của người dân không cao. Đây cũng là thách thức mà chính quyền địa phương đang tìm cách hóa giải. Trong đó, Đồn Biên phòng Săm Pun với vai trò làm tham mưu cho xã cũng đang tìm mọi nguồn lực, xây dựng các mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo.
Cán bộ Đồn Biên phòng Săm Pun tới thăm người dân trên địa bàn |
Sương tan cũng là lúc người dân kéo tới tập trung ở sân đồn biên phòng. Những gương mặt sạm nắng gió không giấu được sự háo hức. Hỏi ra mới biết, họ tập trung ở đây để chờ sang Trung Quốc làm việc. Trước đây, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bà con trong vùng thường vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Thậm chí còn có các đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép. Tình trạng người lao động bị quỵt tiền công, bị trấn lột khi trở về nhà thường xuyên xảy ra. Điều đó khiến cho an ninh trật tự ở Thượng Phùng diễn biến phức tạp, việc quản lý, kiểm soát người qua lại biên giới gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, năm 2016, Đồn Biên phòng Săm Pun đã tham mưu cho lãnh đạo huyện Mèo Vạc xây dựng cơ chế hợp tác xuất khẩu lao động với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với sự bảo hộ của chính quyền hai bên, người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi sang làm việc tại huyện Phú Ninh; đồng thời các công ty, doanh nghiệp của huyện Phú Ninh cũng được tạo điều kiện để tuyển công dân Mèo Vạc sang làm việc. Người lao động được đảm bảo trả tiền công đúng với công sức bỏ ra và được hưởng bảo hiểm y tế. Người dân từ 18 đến 55 tuổi có sức khỏe tốt muốn xuất khẩu lao động chỉ cần đăng ký với xã.
Khi người lao động được xét duyệt, UBND huyện Mèo Vạc sẽ hỗ trợ làm giấy thông hành, bố trí xe đưa người lao động tới bàn giao cho phía đối tác tại cửa khẩu Săm Pun. Việc thực hiện thỏa thuận đưa lao động sang biên giới làm việc hợp pháp đã góp phần làm giảm tình trạng lao động tự do vượt biên trái phép, giúp người lao động an tâm hơn khi làm việc.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Chảo Đức Sơn, thôn Lùng Vần Chải, xã Thượng Phùng phấn khởi: “Chính quyền có chủ trương đưa người dân sang Trung Quốc lao động thế này, tôi thấy rất tốt. Vợ tôi đã đăng ký đi đợt trước với mức lượng 9 triệu đồng/tháng, được miễn phí chỗ ngủ và 2 bữa ăn”. Thực tế, trong nhiều năm qua, Thượng Phùng vẫn là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông còn rất hạn chế, hầu hết chỉ đi được xe máy vào mùa nắng. Với tinh thần chia sẻ “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ đầu năm 2018, phòng Tham mưu BĐBP Hà Giang đã nhận giúp đỡ xã Thượng Phùng xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện tốt chương trình, Phòng Tham mưu đã tổ chức phát động cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị kết hợp sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp xây dựng được quỹ vốn 250 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, đơn vị đã triển khai hỗ trợ 10 hộ nghèo mỗi hộ 1 con bò và 15 triệu đồng tiền vốn để mua lợn giống, thức ăn chăn nuôi và sửa chữa chuồng trại. Thông qua đó đã giúp nhân dân trên địa bàn có điều kiện để chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững. Đến nay 100% thôn, bản ở xã Thượng Phùng có nhà văn hóa, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong thôn. Trong ngày khai giảng năm học mới Phòng Tham mưu BĐBP Hà Giang tổ chức vận động quyên góp các nhà hảo tâm tặng 10 suất quà trị giá hơn 10 triệu đồng cho các cháu học sinh nghèo. Ngoài ra, Phòng Tham mưu phối hợp với Đồn Biên phòng Săm Pun còn đề xuất với chính quyền xã Thượng Phùng căn cứ vào quỹ đất hiện có của xã thực hiện việc hỗ trợ cấp đất theo quy định của pháp luật cho các hộ nghèo trên địa bàn an cư lạc nghiệp.