Tờ Politico đưa tin, đồng minh của Ukraine đã có những “tiếng thở phào nhẹ nhõm”, sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn Hạ nghị sĩ Michael Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia và có kế hoạch chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng, khi ông trở lại Nhà Trắng vào năm tới.
Một số nhà lập pháp Ukraine hy vọng sự lựa chọn ông Marco Rubio (phải) và ông Michael Waltz báo hiệu sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với Ukraine. Ảnh: AP |
Theo Politico, cả hai chính trị gia này tuân theo học thuyết chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Trước đây, cả ông Rubio và ông Waltz đã nhiều lần bày tỏ nghi vấn và thậm chí từng bỏ phiếu chống lại các gói viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, theo Politico, quyết định trên không đến từ sự thiếu ủng hộ dành cho Ukraine, mà đến từ mong muốn tăng cường chi tiêu cho lực lượng bảo vệ biên giới phía nam của Mỹ.
Về phần mình, ông Waltz đã từng đề xuất dỡ bỏ các hạn chế về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ của Nga. Bất chấp sự ủng hộ “hết mình” cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần phản đối đề xuất này.
Nhận xét về quyết định của ông Trump, chuyên gia đối ngoại Mỹ - Ukraine, ông Daniel Vajdich bình luận: “Kyiv khá bình tĩnh và khá thoải mái với các quan chức an ninh quốc gia được công bố cho đến nay. Những người nói rằng Kyiv “lo lắng” đang làm điều này vì mục đích riêng của họ và đang gây bất lợi cho Ukraine”.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp tại Ukraine hy vọng rằng, sự lựa chọn ông Rubio và ông Waltz báo hiệu rằng chính quyền Trump vẫn sẽ ủng hộ Ukraine, nhưng cũng thừa nhận rằng vẫn việc thuyết phục Mỹ chi thêm viện trợ quân sự và kinh tế cho quốc gia này cũng là “một cuộc chiến khó thắng”.
Bà Iryna Gerashchenko, một thành viên trong Quốc hội Ukraine đặc biệt đánh giá cao ông Rubio, cho rằng ông đã “nhiều lần đến thăm Ukraine và thậm chí công khai chỉ trích những người Cộng hòa nghi ngờ về nhu cầu giúp đỡ Ukraine”.
Theo Politico, Thượng nghị sĩ Rubio và Hạ nghị sĩ Waltz đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ các chính sách cấm vận hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, một nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho quân đội nước này và cho các quốc gia được coi là “đối thủ” của Mỹ. Đặc biệt, ông Waltz cũng thường xuyên chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden, vì chưa giải quyết triệt để các lỗ hổng trong việc kiểm soát xuất khẩu dầu khí của Nga.
Giới chuyên gia cho rằng, việc giới thiệu nhân sự gần đây đã báo hiệu rằng chính quyền tiếp theo của ông Trump sẽ nối tiếp các chính sách của nhiệm kỳ trước, với trọng tâm là áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty năng lượng Nga, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Mỹ. Theo chuyên gia chính sách đối ngoại James Carafano, cả ông Rubio và ông Walz “sẽ nỗ lực áp đặt cấm vận lên Nga ở mức cao nhất có thể”.
Đặc biệt, nhiều quan chức châu Âu cũng đặt kỳ vọng vào khả năng đàm phán hòa bình của ông Trump. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen khẳng định: “Tôi nghĩ chúng ta có thể kết hợp sự khó đoán và tính quyết chiến của ông Trump và biến điều đó thành một “công thức mạnh mẽ” để thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine”.
Ba cựu quan chức, đồng thời là người ủng hộ Ukraine dưới chính quyền ông Trump cũng đồng tình với quan điểm này. Chia sẻ với Politico, một quan chức nói: "...Tôi nghĩ ưu tiên chính của ông ấy sẽ là nỗ lực tìm kiếm một kết quả hòa bình và công bằng".