Chú trọng công tác an toàn lao động để tăng năng suất, giảm rủi ro Mô hình khuyến công - Động lực tăng năng suất tiểu thủ công nghiệp nông thôn |
Năng suất lao động được cải thiện
Báo cáo về năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cho thấy đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021.
Doanh nghiệp cần nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh: Cấn Dũng |
Tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong 10 năm (2011-2020) đạt 6%; trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5%, từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, riêng năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất 6,62%. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 6,05% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%).
Đáng nói, tư duy chính sách về mô hình, hoạt động kinh tế mới đã bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến NSLĐ, đổi mới sáng tạo và động lực cho doanh nghiệp.
Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn thiện cũng đặt ra một số chỉ tiêu dự kiến: Tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5-7%/năm từ nay đến năm 2030; tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước. Phấn đấu nằm trong nhóm đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ vào năm 2030 và năng lực đổi mới sáng tạo của WIPO thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Tuy vậy, những điểm sáng đó chưa đủ để nâng NSLĐ Việt Nam sánh bằng các nước trong khu vực. Gần đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đưa ra báo cáo nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022. Báo cáo đánh giá, NSLĐ của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Cũng có những nhận định, Việt Nam có xu hướng gia tăng sự chênh lệch nội địa: Khu vực nông - lâm - thủy sản, mặc dù NSLĐ thấp nhưng tốc độ tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu. Trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy NSLĐ bao gồm sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.
Cùng quan điểm với ông Võ Trí Thành, các chuyên gia kinh tế cũng đặc biệt lưu ý, với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, yếu tố tiên quyết phải là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo.
Trên thực tế, tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 đã đưa ra mục tiêu tổng quát: Đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua ứng dụng thành tựu mới của khoa học - công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để đạt được mục tiêu này thì đến năm 2030, tối thiểu 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất. Từ 30 - 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng và triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 5 - 7 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo, giới chuyên gia cho rằng, cần nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà cần có kỹ năng mềm và hiểu biết về các công cụ năng suất, góp phần tạo ra nhiều ý tưởng, công nghệ và thương mại hóa công nghệ. Doanh nghiệp cũng cần xác định mô hình sản xuất phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; đổi mới tư duy, hiệu quả hoạt động thông qua ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới.
Về phía người lao động cần nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay.
Quan trọng hơn là cơ chế, chính sách của Nhà nước phải ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học - công nghệ; tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học - công nghệ, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ đổi mới; chính sách tiền lương cho người lao động cần được xem xét điều chỉnh hướng tới mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại.