Hà Nội sẽ thanh tra lĩnh vực nhiều nguy cơ tai nạn lao động Giảm thiểu rủi ro, cải thiện điều kiện lao động Đảm bảo an toàn lao động khi nới trần làm thêm giờ |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác ATVSLĐ, PCCN, các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong ngành luôn cố gắng thực hiện đầy đủ những quy định về an toàn, triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, quản lý, đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn.
Cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt công tác an toàn lao động |
Điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tinh thần an toàn là trên hết, xuyên suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển, công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ luôn được tập đoàn thực hiện đầy đủ, theo đúng quy định pháp luật và yêu cầu của công việc.
Các nội dung đào tạo cho người lao động tập trung vào các vấn đề như, giám sát môi trường lao động, sử dụng trang thiết bị phương tiện bảo vệ cá nhân, sơ cấp cứu cơ bản, phòng chống tác hại nghề nghiệp do các sản phẩm của công nghiệp dầu khí...
Bên cạnh đó, tập đoàn còn chú trọng nâng cao kiến thức về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn sức khỏe môi trường như: Phổ biến và tập huấn triển khai văn bản pháp luật; quản lý an toàn hiện đại, quản lý tình huống khẩn cấp; điều tra tai nạn sự cố; đánh giá rủi ro, ứng phó trong các tình huống khẩn cấp và phòng chống cháy nổ...
Để phòng tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho người lao động, tập đoàn đã tiến hành thực hiện các hành động cụ thể như: Xây dựng các nội quy, quy chế, quy định liên quan đến các hoạt động ATVSLĐ, PCCN; thường xuyên kiểm tra công tác ATVSLĐ, PCCN tại các đơn vị thành viên của tập đoàn; phát hiện và kiến nghị khắc phục kịp thời các biện pháp an toàn.
Đối với các công trình trọng điểm, tăng cường kiểm tra trước các mốc quan trọng như khởi động, chạy thử, các đợt bảo dưỡng, sửa chữa lớn hoặc sau khi xảy ra sự cố mất an toàn; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên các quy định, chế độ về công tác ATVSLĐ.
Song song với công tác đào tạo về kiến thức chuyên sâu, tập đoàn còn thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập lớn gồm: Huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu lần thứ 11 do NASOS tổ chức; diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu của Biển Đông POC; phối hợp với ENI, PVEP, Biển Đông diễn thông tin ứng phó tình huống khẩn cấp...
Thông qua các hoạt động như vậy đã góp phần chuẩn bị tốt năng lực triển khai ứng cứu trong tình huống khẩn cấp, bảo vệ an toàn cho người lao động, tài sản và môi trường.
Còn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Để đảm bảo an toàn cho người lao động, tập đoàn đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa trong đào lò, khai thác và cơ điện vận tải ở tất cả các khu vực, vị trí mà điều kiện cho phép. Đầu tư nhiều hình thức chở người trong hầm lò nhằm giảm thiểu thời gian đi lại, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Mặc dù là một trong những ngành nghề gắn bó mật thiết với đời sống, song hóa chất cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho môi trường. Do đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn chủ động triển khai và chỉ đạo các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường sản xuất.
Thời gian qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chủ động đầu tư và huy động các nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về khoa học công nghệ như: Chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chương trình bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam còn chủ động cập nhật và hướng dẫn cho các đơn vị thành viên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, ATVSLĐ. Đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nhiên liệu, năng lượng bằng cách ứng dụng các công nghệ có hiệu suất thu hồi và hiệu suất năng lượng cao kết hợp với công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm tăng hiệu quả kinh tế, năng lượng và hiệu quả bảo vệ môi trường.
Với vai trò đại diện cho người lao động, hàng năm các đơn vị thuộc công đoàn ngành Công Thương cũng đã phối hợp với chuyên môn để triển khai, phát động phong trào, tổ chức đăng ký thi đua, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ.
Ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho biết, qua theo dõi, các đơn vị có kế hoạch tổ chức triển khai công tác ATVSLĐ, tập huấn nâng cao kiến thức cho người lao động, khám sức khỏe định kỳ, trang bị mới hoặc cải tiến máy móc thiết bị nhằm giảm sức lao động, trồng cây, hoa, vệ sinh nhà xưởng sạch đẹp, gọn gàng, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đảm bảo tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người lao động về ATVSLĐ, vào ngày 28/4 tới, tại Tổng công ty Giấy Việt Nam (thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng ATVSLĐ năm 2022. |