Các địa phương khu vực phía Bắc phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công Gia tăng hiệu quả công tác khuyến công: Địa phương khu vực phía Bắc mong muốn gì? |
Tác động tích cực
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - cho biết: Sau 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công (Nghị định 45), công tác khuyến công đã đi vào nền nếp và tác động tích cực cả về kinh tế và xã hội tại các địa phương.
Theo đó, hệ thống khuyến công trên toàn quốc đã không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả.
10 nội dung hoạt động quy định trong Nghị định 45 tùy theo từng giai đoạn được Bộ Công Thương triển khai phù hợp. Nổi bật, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 113.370 lao động với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 8.100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một trong nhiều hoạt động khuyến công được Bộ Công Thương triển khai |
Thông qua chương trình khuyến công, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 28 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 3 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Đáng kể, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong 10 năm qua là 19.082 lượt cơ sở, trong đó số lượt cơ sở thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách khuyến công là 9.541 cơ sở.
Đánh giá về kết quả đạt được của chương trình khuyến công 10 năm qua, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Những mục tiêu của hoạt động khuyến công tại Nghị định 45 và các quyết định khác liên quan đã và đang được thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể.
Các hoạt động khuyến công, đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.
"Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu...", ông Trung nhấn mạnh.
Đổi mới công tác khuyến công là yêu cầu thiết thực
Mặc dù đã phát huy tốt hiệu quả, tuy nhiên Nghị định 45 đã có “tuổi đời” hơn 10 năm, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống văn bản pháp luật có liên quan cũng có nhiều thay đổi; đòi hỏi cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện đối với các quy định. Từ đó, đề xuất các giải pháp, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Nghị định về khuyến công trong tình hình mới.
Trước thực tế này, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định về hoạt động khuyến công với yêu cầu đổi mới công tác khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.
Hiện Bộ Công Thương (Cục Công Thương địa phương) đã dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Bản dự thảo hồ sơ đang được lấy ý kiến của các thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương trước khi Bộ trưởng ký trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai Nghị định 45, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gợi mở những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn cần triển khai thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công thời gian tới, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:
Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến công theo chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số. Triển khai các hoạt động khuyến công đồng bộ với các chương trình hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữ tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ về khuyến công ở Sở Công Thương các địa phương tạo thuận lợi trong triển khai các hoạt động khuyến công, khuyến thương có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương; đồng thời, quan tâm tăng cường đầu tư, nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công, khuyến thương. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác khuyến công, khuyến thương có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thiết lập cơ chế phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hiệp hội trong hoạch định, thực thi chính sách và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, khuyến thương từ trung ương đến địa phương.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác khuyến công, khuyến thương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện.