Quảng Bình gia hạn thời gian cho Dự án sản xuất viên nén của tập đoàn Dohwa Quảng Bình: Huy động mọi nguồn lực để có giải pháp giảm nghèo bền vững |
Minh Hóa là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình với địa hình là núi đồi. Ở nơi đây ngoài dân tộc Kinh còn là nơi sinh sống của người Nguồn (cộng đồng các tộc người Minh Hóa) với có bản sắc văn hóa và ngôn ngữ riêng. Từ lối sống săn bắt, hái lượm từ ngàn đời xưa, ngày nay ẩm thực của của người Nguồn luôn có nét đặc trưng gắn liền với sản vật từ thiên nhiên nhộng ong, ốc khe, cá suối, ngọn mây đắng, măng rừng, rượu đoác…
Trứng kiến được khai thác |
Trong những sản vật từ thiên nhiên đó, trứng kiến được người dân ưa chuộng và “săn” tìm nhiều nhất. Hằng năm, mùa khai thác trứng kiến chỉ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Loại kiến cho trứng ngon là kiến đen và kiến đỏ, đây là loài côn trùng không cánh, sống và làm tổ trên các cành cây.
Anh Đinh Quốc Huy (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) một thợ “săn” trứng kiến cho biết “Đi lấy trứng kiến, dụng cụ chỉ cần một con dao chặt và một cái mẹt tre. Khi thấy tổ kiến to tròn trên các cành cây, người dân sẽ chặt cành cây có tổ kiến xuống. Tôi thường chọn tổ kiến nào to thì mới nhiều trứng, còn tổ nhỏ thì chưa phát triển nhiều phải chờ một thời gian nữa mới quay lại khai thác được”.
Tổ kiến nằm trên cây |
Theo anh Huy, lấy trứng kiến rất thú vị và thao tác phải nhanh để không bị kiến đốt. Tổ kiến mà bị động là kiến bò ra rất nhanh, lan ra khắp nơi. Nên trước khi chặt cành có tổ kiến, sẽ chặt sẻ phát các cành vướng để thao tác cho nhanh.
“Giơ tổ kiến lên rồi gõ gõ là trứng và cả kiến thợ rơi xuống mẹt tre như mưa. Nếu muốn không bị kiến đốt, tôi thường mang theo một cái thau nước, rồi đứng trong thau có nước để ngăn kiến cắn vào chân” – anh Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Người dân khai thác các tổ kiến |
Để đi "săn" trứng kiến, phải chọn trời nắng to, vì khi hạ tổ kiến xuống, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, khi đó chỉ còn lại những hạt trứng trắng muốt như gạo lẫn với tàn tổ kiến màu đen còn sót lại. Nếu trời không nắng, kiến lâu tản ra khỏi mẹt tre, anh Huy sẽ chặt những cành lá nhỏ xếp lên mẹt tre, rồi gõ gõ nhẹ lên mẹt cho kiến bò lên các cành lá. Công việc tiếp theo là vất các cành lá ra xa khỏi mẹt tre. Cứ lặp đi lặp lại 2, 3 kiến sẽ bò ra gần hết, lúc này di chuyển sang chỗ khác để tránh đàn kiến quay lại.
Người dân ở huyện Minh Hóa lấy trứng kiến về để chế biến các món ăn, cất trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần và đưa ra chợ bán. Giá trứng kiến người dân mang bán ra thị trường với giá dao động từ 400 – 450 ngàn đồng/kg tùy thuộc vào thời điểm.
Chị Phạm Thị Thu Huyền, chủ nhà hàng Hà Quỳnh ở thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) cho biết trứng kiến được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: trứng kiến rang lá chanh, chả trứng kiến lá lốt, xôi trứng kiến mỡ hành… nhưng món được khách hàng ưa chuộng nhất vẫn là canh trứng kiến nấu lá bún.
Kiến được hạ xuống và tiến hành lấy kiến |
“Lá bún là loại lá mọc dọc khe suối, người dân lấy về muối như muối cải chua. Lá bún thái nhỏ rồi nấu canh với trứng kiến sẽ làm cho nước canh có vị chua chua, vị béo ngậy của ấu trùng trứng kiến. Canh trứng kiến giàu dinh dưỡng, có một số khách ăn lúc đầu không quen có thể dị ứng với món này”. – chị Huyền cho biết.
Theo chị Huyền, trứng kiến có 2 loại kiến đen và kiến đỏ. Trứng kiến trước khi chế biến được sàng lọc các ấu trùng già, và các mẩu vụn vỏ tổ còn lẫn lộn. Trứng kiến được đưa đi ngâm nước muối 10-15 phút mới đem chế biến các món ăn. “Kiến là côn trùng sống ngoài tự nhiên, nên trứng kiến phải đem ngâm nước muối để diệt vi khuẩn rồi mới chế biến như thế mới đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Anh Đinh Thanh Hà (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) cho biết, trứng kiến được xem là món ăn vừa dân dã, vừa là món yêu thích của người dân địa phương khi chiêu đãi những bạn bè phương xa tới chơi. Đến với Minh Hóa, mà chưa thưởng thức món ăn làm từ trứng kiến, hay các món ăn đặc sản của vùng đất này thì bạn chưa hiểu được văn hóa ẩm thực của người Nguồn.
Mùa săn trứng kiến chỉ kéo dài trong thời gian cuối mùa xuân sang mùa hè, đây cũng là mùa sinh sản của kiến làm tổ trên cây. Thời gian này, trong các phiên chợ quê ở huyện miền núi Minh Hóa người dân mang những mẻ trứng kiến ngồi bán cho khách. Trong các nhà hàng, quán ăn món trứng kiến luôn được khách hàng yêu thích, bởi đây là món ăn dân dã mang chút hương vị chế biến đặc trưng của tộc người Nguồn mà không nơi nào có được.