Chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: 4 thách thức lớn |
Chia sẻ về case chuyển đổi số tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Phó chủ tịch HĐQT, CEO - Lưu Trung Thái - cho biết, MB không quan niệm chuyển đổi số là một dự án mà là một quá trình. Trong đó, việc vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các đối tác là ưu tiên của MB nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng cho ngân hàng.
Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT, CEO MB - chia sẻ về nền kinh tế không tiền mặt là điều kiện phát triển tương lai hiện đại, bền vững |
Trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt năm 2022 do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Báo Tuổi trẻ tổ chức, hội thảo - triển lãm chủ đề 'Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt' diễn ra chiều 17/6 tại khách sạn Lotte (Hà Nội). Tại hội nghị, CEO MB – ông Lưu Trung Thái đã có bài tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và bài học kinh nghiệm của MB”.
Mở đầu bài tham luận, ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh những giá trị thiết thực mà chuyển đổi số mang lại. Với cá nhân, các giao dịch sẽ được an toàn, dù bảo mật là thách thức lớn nhưng sẽ được phát triển và được quan tâm trong khi việc trải nghiệm mang lại sự lý thú, không bị gián đoán, liên kết với hàng nghìn nhà cung cấp, như với MB đang bán 30.000 sản phẩm trên nền tảng.
Đối với doanh nghiệp, bên cạnh tối ưu hoá hoạt động, tiết kiệm chi phí, chuyển đổi số còn tạo ra “không gian và cơ hội kinh doanh mới”, tạo tiền đề để các doanh nghiệp phát triển hơn trong thời gian tới – CEO MB chia sẻ.
Trong bối cảnh “không bình thường” khi Covid-19 diễn ra, ông Lưu Trung Thái cho hay, MB nhìn thấy yêu cầu tăng trải nghiệm online rất nhanh, khách hàng không muốn đến ngân hàng mà muốn có thêm các trải nghiệm. Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi đây “không còn là miếng bánh của riêng ngân hàng”, đặt ra yêu cầu MB phải chuyển đối số và tăng tốc mạnh mẽ.
Kế hoạch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra là đến năm 2025, tối thiểu 70% giao dịch thuộc về kênh số. Tuy nhiên, con số này tại MB đã sớm vượt mốc đề ra khi năm 2021, MB đã có trên 93% giao dịch qua chuyển đổi số. Với định hướng trở thành doanh nghiệp số trong ngành ngân hàng, ngoài thị phần chuyển tiền, giao dịch chuyển tiền của MB luôn đứng thứ nhất.
MB là ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR trên App MBBank |
Theo đó, MB ưu tiên chiến lược hành động đồng bộ, quyết liệt, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. MB cũng xử lý thành công về công nghệ để phục vụ 15 triệu khách hàng. Trong đó, MB tập trung phát triển hai nền tảng chủ lực là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp).
Tuy vậy, thách thức đặt ra trong chuyển đối số, theo CEO MB là các vấn đề liên quan đến lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh. “Việc chuyển đổi số là đầu tư với quy mô lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí, nên tạo ra hiệu quả thực sự là rất khó”– vị lãnh đạo cho biết. MB liên tục triển khai dự án nhưng quan niệm coi chuyển đổi số là quá trình chứ không phải là dự án.
Về nhân sự đặt ra yêu cầu tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh. Nhận thấy điều này, MB đã sớm thành lập Khối Dữ liệu nhằm triển khai mạnh mẽ và triệt để việc quản lý cơ sở dữ liệu. Đối với những thách thức về cạnh tranh, MB đã và đang vừa cạnh tranh, vừa hợp tác để các kết nối tăng lên nhanh.
Đề xuất giải pháp, ông Lưu Trung Thái đề xuất cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng. Có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ.