Kể từ sau tết tới nay, sức mua của các sản phẩm nội thất trên thị trường giảm mạnh do tác động của dịch bệnh. Thêm vào đó sản phẩm nội thất không phải là hàng tiêu dùng thiết yếu nên trong thời điểm này cầu giảm rõ rệt. Điều này khiến doanh thu của nhiều đơn vị bán lẻ nội thất bị ảnh hưởng.
Đại diện hệ thống siêu thị nội thất BAYA chia sẻ, từ giữa tháng 3 doanh nghiệp này đã chủ động đóng cửa hàng để phòng chống dịch bệnh khiến kinh doanh khó khăn thêm. Do đó, doanh nghiệp đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị cho thuê mặt bằng, đề nghị giảm 30 - 50% giá thuê mặt bằng trong các tháng tiếp theo. “Đáp lại, các yêu cầu của chúng tôi, cho đến nay đã có một số đơn vị đồng ý hỗ trợ, rất tích cực phản hồi và thảo luận các phương án cùng giảm thiểu thiệt hại cho đôi bên. Dù vậy vẫn có các đơn vị im lặng hoặc từ chối trao đổi”, vị đại diện của BAYA cho biết.
Cũng gặp phải tình trạng trên, theo ông Hoàng Tuấn Anh - Sáng lập, Giám đốc điều hành của chuỗi bán lẻ Vua Nệm (với gần 60 cửa hàng trên toàn quốc), từ đầu tháng 4 tới nay do thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nên Vua Nệm tạm đóng cửa chống dịch. Để giảm khó khăn tài chính, công ty đã gửi công văn cho tất cả các chủ mặt bằng, xin miễn phí thuê tháng 4. Những hợp đồng thuê nhà để kinh doanh này thường có thời hạn từ 60 - 96 tháng (tức thuê 5-8 năm) và công ty luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng trước đó. Tuy nhiên, một số mặt bằng có nhiều chủ không đồng thuận, hoặc mặt bằng thông qua trung gian phản hồi rất chậm, cũng như đưa ra nhiều điều kiện khó khăn như: đóng liền 2 tháng tiếp theo mới giảm giá; không giảm giá và vẫn phải đóng phí dịch vụ trong thời gian tạm đóng cửa.
Nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống tạm ngưng kinh doanh từ cuối tháng 3-2020 |
Cùng chung ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, chuỗi nhà hàng Ụt Ụt đã và đang gặp nhiều khó khăn khi thương lượng về mặt bằng. Vị đại diện của Ụt Ụt cho biết, khó khăn trước mắt là về nguồn chi để đảm bảo hỗ trợ lương cho công nhân viên. Trong đầu tháng 3 công ty đã liên lạc với các chủ cho thuê mặt bằng thương thảo và nhận được sự hỗ trợ giảm tiền thuê nhà trong vòng 1 tới 3 tháng, với tỷ lệ từ 15-30%/tháng. Song cũng có một số chủ cho thuê lại gây khó dễ và thay đổi ý kiến liên tục với những lý do không rõ ràng. “Trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, chúng tôi đã triển khai giao hàng tận nơi để tạo doanh thu, và cố gắng hỗ trợ nhân viên hết sức có thể. Do đó, chúng tôi hy vọng các chủ cho thuê mặt bằng hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”, đại diện Công ty CP Ụt Ụt chia sẻ.
Trên thực tế, kể từ khi đại dịch bùng phát tới nay, ngoài du lịch, hàng không… thì bán lẻ cũng là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch COVID-19. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam, doanh thu các ngành hàng như ăn uống, thời trang có thể giảm từ 50-80%. Một vài thương hiệu ăn uống buộc phải cắt giảm hoạt động của nhiều chi nhánh. Đơn cử trường hợp của Golden Gate Group và một số thương hiệu trà sữa, cà phê… đã đóng bớt cửa hàng.
Trong bối cảnh trên, sự chung tay để cùng nhau vượt qua đại dịch là điều vô cùng cấp thiết. TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính đề xuất, trong những trường hợp này Chính phủ phải có biện pháp tức thời để hỗ trợ các nhà bán lẻ. Cụ thể là cho vay với thời gian ân hạn 1 năm, có thể hỗ trợ tiền mặt phần nào, đặc biệt có thể yêu cầu các chủ nhà hoãn việc trả tiền thuê mặt bằng. Thêm vào đó, phía ngân hàng cũng cần hoãn lại việc yêu cầu chủ nhà trả tiền nợ, rồi chủ nhà tiếp tục hỗ trợ lại cho người thuê. Những chương trình như vậy phải kéo dài trong 6 tháng mới có thể giúp các doanh nghiệp “sống sót” qua mùa dịch.