Doanh thu bán lẻ tăng cao
Theo Bộ Công Thương, thời điểm này, các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Hợi. Nhờ đó, tạo sự ổn định về cung cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, không xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết, tăng cường kiểm tra thị trường, ngăn chặn xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sức mua tháng giáp Tết tăng 12,2% so với cùng kỳ |
Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1/2019 diễn ra sôi động do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong tháng giáp Tết Nguyên đán. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 402,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,7%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 305,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%; doanh thu du lịch ước đạt 4,32 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%; doanh thu dịch vụ ước đạt 43,03 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao, đồng thời dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm mới.
Tích cực triển khai Chương trình bình ổn thị trường
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, trong đó chú trọng triển khai Chương trình bình ổn thị trường. Các Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. Theo báo cáo sơ bộ gửi về Bộ Công Thương, đến nay đã có 50/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó có 16 địa phương có kế hoạch/triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Đơn cử, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Hiện có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.
Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, thị trường trước Tết Nguyên đán năm nay không có biến động lớn. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được chuẩn bị khá chu đáo và sớm, cùng với đó nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đa dạng nên đã giữ giá hàng hóa thực phẩm trong tháng tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Năm nay các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn như Big C, Lotte, Aeon... các dòng sản phẩm bánh mứt kẹo trong nước với màu sắc, mẫu mã đa dạng đã được bày biện trên các kệ hàng thu hút người tiêu dùng.
Các địa phương tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết...
Ngoài ra, người tiêu dùng tại các thành phố lớn còn có thêm sự lựa chọn mua hàng tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch với các thương hiệu quen thuộc như Big Green, Bác Tôm, Thực phẩm ngon, Clever fruit... hoặc tại các quầy thực phẩm lớn của các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho người tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm đã được chứng nhận an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng qua mạng internet ngày càng phát triển cũng là một kênh cung ứng hàng hóa khá đa dạng, tiện lợi đáp ứng nhu cầu của những đối tượng người tiêu dùng bận rộn không có thời gian đi mua sắm.