Đó là thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới” vừa diển ra chiều 22/3. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là cơ quan chủ quản.
Theo ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam có bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, ở đó nhà sản xuất và khách hàng cùng sử dụng ứng dụng số khác nhau để thu thập thông tin, kết nối và giao dịch sản phẩm. TMĐT là phần quan trọng của xu thế đó, đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. TMĐT đang trở thành nhân tố cốt lõi trên toàn cầu và là xu thế tất yếu không quốc gia nào đứng ngoài cuộc được.
Các diễn giả tham dự hội thảo |
Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, sự đang dạng về mô hình hoạt động, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cùng sự hỗ trợ của hạ tầng internet và công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển thương mại. Mặc dù, đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, nhưng TMĐT Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
"Cụ thể, năm 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt 18%, quy mô 11,8 tỷ USD, và là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng TMĐT 2 con số" - ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh và cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường TMĐT ngày càng trở nên sôi động và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối đang trở thành một phương án hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Chia sẻ thêm về cơ hội, bà Trần Như An - Cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý dự án IPSC - USAID - cho biết: Dưới ảnh hưởng Covid-19, phương thức tiêu dùng và năng lực mua sắm có nhiều thay đổi. Cũng trong bối cảnh này, doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, vận hành nhằm đảm bảo sự cạnh tranh. Tại Việt Nam có 61 triệu người dùng smartphone, tỷ lệ này thúc đẩy sự phát triển TMĐT phát triển. Việt Nam dự kiến là thị trường phát triển TMĐT nhanh nhất nhất vào năm 2026 với doanh số 56 tỷ USD.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách – Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – thông tin về sự lạc quan đối với thị trường TMĐT cũng như cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam đang có trong bối cảnh “bình thường mới”. Bà Lê Thị Hà cũng dẫn chứng điều tra với 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch với khoảng 14,9% so với trước thời điểm đó vào năm 2019 với 10,3%. Đây cũng chính là cơ hội cho Việt Nam phát triển TMĐT xuyên biên giới.
Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển thị trường thương mại điện tử |
Bên cạnh những lợi thế trên, ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, với vai trò là cơ quan đầu mối phát triển doanh nghiệp, Cục Phát triển Doanh nghiệp đã và đang nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cấp, ngành, triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển TMĐT trên các sàn TMĐT. Đặc biệt, ngày 18/1/2022, Cục Phát triển Doanh nghiệp và USAID đã chính thức khởi động Dự án IPSC. Đây là dự án kéo dài 5 năm (2020-2025) với tổng ngân sách 36 triệu USD, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng trưởng của Việt Nam xây dựng, tăng cường năng lực quản trị kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới, khả năng tiếp cận tài chính; cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp và liên kết ngành.
“Cho đến nay, đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất, cụ thể nhất, bao trùm nhất cho phát triển TMĐT tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp nữ, doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã… giúp doanh nghiệp tự tin, chủ động vươn ra thị trường quốc tế” – ông Nguyễn Đức Trung thông tin.
Dù có tiềm năng cho thị trường TMĐT tại Việt Nam rất rộng mở, nhưng bà Trần Như An cho rằng, hiện thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, do hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ trong nước chưa thể cạnh tranh với đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng, thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm. Do đó cần đào tạo nâng cao năng lực các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin...
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định, những yếu tố này doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có đủ niềm tin và hướng tiếp cận đúng đắn với TMĐT.
Dự án IPSC đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho tối thiểu 5.000 doanh nghiêp đang tăng trưởng nhằm hỗ trợ họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”. |