Nhân kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Tuấn Anh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh xung quanh những đóng góp của Hội này để xây dựng kinh tế thành phố sau dịch.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua?
Có thể thấy, TP. Hồ Chí Minh bây giờ so với trước đã có sự phát triển vượt bậc, phải gọi là kỳ tích. Đặc biệt, nếu khoảng 7, 8 năm về trước kinh tế của Malaysia so với Việt Nam có sự chênh lệch nhau rất nhiều, tuy nhiên hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã tiệm cận với Malaysia. Điều này cho thấy bước tiến vượt bậc của thành phố về kinh tế cũng như tốc độ đô thị hóa.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh |
Là người con của TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi được thừa hưởng thành quả đấu tranh, bảo vệ, thống nhất đất nước của nhiều thế hệ đi trước. Và, hoạt động kinh doanh của chúng tôi thành công dựa trên sự bình yên, độc lập chủ quyền. Chúng tôi mong muốn vị thế của TP. Hồ Chí Minh nói riêng, của Việt Nam nói chung ngày càng vững mạnh.
Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trẻ đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, thưa ông?
Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Thời điểm dịch bệnh, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đặt vấn đề cứu người là trên hết, vì mình phải vượt qua được dịch, phải sống sót sau dịch thì mình mới có cơ hội phát triển kinh tế. Vì vây, những chương trình như ATM gạo, ATM oxy phát triển rất mạnh nhằm hỗ trợ người dân. Riêng bản thân tôi đã thực hiện chương trình ATM gạo và phát miễn phí cho 1 triệu lượt người dân. Bên cạnh đó, chương trình ATM oxy của chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho hơn 50.000 F0 trong suốt giai đoạn dịch bệnh vừa qua tạo cơ sở để các doanh nghiệp trên địa bàn có nguồn nhân lực phục hồi sau dịch.
Ngoài những hoạt động trên, chúng tôi đang muốn kết nối các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để có thể hỗ trợ, bổ sung những ưu khuyết điểm của nhau, cùng phát triển. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp nước ngoài có ưu điểm về vốn, kỹ năng để phát triển kinh doanh quốc tế nhưng lại thiếu kiến thức pháp luật, pháp lý cũng như nền tảng đất đai, nhà xưởng ở Việt Nam, nên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ kết nối doanh nghiệp trong hội với doanh nghiệp nước ngoài để bổ sung cho nhau.
Tại Đại hội mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tạo lập thêm nhiều câu lạc bộ như: Câu lạc bộ số hóa để đưa nền tảng số cho tất cả các doanh nghiệp trong hội, Câu lạc bộ F2 để dành cho những người con của các chủ tập đoàn, để hình thành ý tưởng kinh doanh và tạo tinh thần đoàn kết, liên kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp học hỏi những anh chị đi trước. Ngoài ra chúng tôi còn thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp, Câu lạc bộ xúc tiến đầu tư… để giao thương giữa các tỉnh thành với nhau và phát triển các doanh nghiệp trong hội cũng như ngoài hội.
Trong giai đoạn dịch, chương trình ATM oxy do ông Hoàng Tuấn Anh khởi xướng đã hỗ trợ cho hơn 50.000 F0 |
Trong bối cảnh mới, tình hình mới như hiện nay, Hội Doanh nhân trẻ đang trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo hội để có thể năng động hơn, thích nghi yếu tố mới trong thời điểm mới, để doanh nhân trẻ có thể ra khỏi biên giới Việt Nam và cạnh tranh với các nước khác ở bên ngoài.
Cộng đồng doanh nhân trẻ có những kiến nghị gì để phát triển kinh tế thành phố trong giai đoạn sắp tới, thưa ông?
Tôi cho rằng, để phát triển kinh tế thành phố rất cần sự liên kết vùng. Cụ thể là liên kết vùng với Bình Dương, Đồng Nai, Long An, xa hơn nữa là Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phan Thiết (Bình Thuận) hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Để làm được rất cần đẩy nhanh tiến độ của những tuyến cao tốc, rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các địa phương với nhau. Có thể so sánh thế này, cùng một quãng đường nhưng khi chúng tôi di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương lân cận sẽ mất từ 2-3 tiếng, trong khi đó ở các tỉnh phía Bắc chỉ tầm 1 tiếng. Sở dĩ ở phía Bắc rút ngắn thời gian được là do có các tuyến đường cao tốc. Do đó, tôi cho rằng việc thúc đẩy nhanh các tuyến cao tốc rất quan trọng và cấp bách để phát triển kinh tế cho thành phố.
Ngoài ra, về nguồn vốn, các chính sách ngân hàng cần thông thoáng hơn vì thời điểm này các doanh nghiệp đều khó khăn. Nếu có sự ưu đãi hợp lý để các doanh nghiệp có được nguồn vốn ban đầu để tác hoạt động sẽ tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!