Đó là nội dung Diễn đàn “Định vị Doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, diễn ra ngày 25/10, do Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với và Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam tổ chức.
Các diễn giả tại phiên thảo luận “Định vị Doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu |
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, Dự án “Kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với chuỗi cung ứng toàn cầu” của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID LinkSME) nhận định khả năng tăng trưởng hiện nay của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước là 58 tỷ USD. Hội nhập toàn cầu và khu vực sâu hơn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng vẫn đang đối mặt với các trở ngại trong xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng của bản thân doanh nghiệp và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là thiếu vốn và công nhân lành nghề, sử dụng công nghệ lạc hậu, khả năng quản lý yếu kém, công tác kho vận và phân phối hàng hóa chưa thuận lợi cho khách hàng, thậm chí còn thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó mở rộng thị trướng xuất khẩu, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong thương trường quốc tế thì bản thân các doanh nghiệp cần tự “nâng cấp” mình lên: Từ việc chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, cải thiện quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra phải đạt yêu cầu, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đầu tư, nâng cấp hệ thống quản lý… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để hiểu rõ thị trường và luật pháp, quy định liên quan, phân tích năng lực, điểm mạnh - điểm yếu của mình để có định hướng và chiến lược phát triển phù hợp.
Các doanh nhân nữ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm |
Còn theo Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm 7,6% trong Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tuy vậy, đây là các doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất các linh kiện phụ tùng cho chuỗi cung ứng toàn cầu các ngành xe máy, điện tử và ô tô.
Bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, Công ty TNHH NGK Coca-Cola Việt Nam nhận định, hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ doanh nhân là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Khi một nữ doanh nhân thành công, thành công đó sẽ tiếp tục nhân rộng thông qua nguồn cảm hứng, chia sẻ và đào tạo từ những nữ doanh nhân đó cho các thế hệ tiếp theo. “Với chiến lược 5by20, hướng đến 2020 sẽ hỗ trợ 5 triệu nữ doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của Coca-cola. Tại Việt Nam, công ty mở rộng chiến lược nội địa hóa và hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng nhằm đem cơ hội thiết thực nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp trên tiến trình gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Lê Từ Cẩm Ly thông tin.
Sau khi nghe các chia sẻ từ diễn giả, Đại diện ban tổ chức, Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng: Quản lý Chuỗi cung ứng thế hệ mới yêu cầu thiết kế sản phẩm phải được tích hợp với khả năng sản xuất, quy trình giao hàng và thông tin về nhu cầu của khách hàng. Để đạt được điều này cần có cái nhìn toàn diện về quy trình kinh doanh trong suốt vòng đời sản phẩm và vượt qua biên giới địa lý – Doanh nhân nữ, với cái nhìn tinh tế, với trái tim nhạy cảm sẽ tham gia và quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chúc mừng các doanh nghiệp nữ ASEAN tiêu biểu, |
Khẳng định doanh nhân nữ luôn là động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tin tưởng, với tấm lòng nhân hậu, bao dung, các doanh nhân nữ sẽ tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế bằng sự sáng tạo và kinh doanh nhân văn cũng như tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. “Trong tương lai không còn là sự cạnh tranh giữa các công ty mà là sự cạnh tranh của các chuỗi kết nối xuyên lục địa. Sống trong thế giới siêu kết nối thì các doanh nghiệp nữ cần kết nối với nhau và Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị của doanh nhân nữ bằng trái tim. Số hóa và phát triển bền vững là 2 nền tảng để nữ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cùng đại diện của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN (USABC) và Công ty TNHH NGK Coca-Cola Việt Nam ký kết Biên bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng.
Ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng |
Cũng nhân dịp này, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức chương trình Gala Dinner kết nối doanh nhân nữ và công bố 10 doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu năm 2019. Đây là những nữ doanh nhân nữ đã được trao giải thưởng trong Hội nghị Doanh nhân nữ ASEAN do Mạng lưới Doanh nhân Nữ ASEAN (AWEN) tổ chức tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) tháng 6 vừa qua. Sự kiện góp phần quan trọng tạo động lực, khuyến khích và thúc đẩy tinh thần và ý chí kinh doanh của chị em phụ nữ, giúp cộng đồng doanh nhân nữ ASEAN tự tin và vững vàng hơn trong hội nhập và quốc tế.