Doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động cầm chừng
Gần 3 tuần nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên khi dịch Covid-19 ngày một phức tạp, lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL. Theo đó, sản lượng lúa gạo thu mua của nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh, cùng với đó việc xuất khẩu cũng rơi vào khó khăn do phải tuân thủ những quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Xuất khẩu gạo đang đối diện thách thức mới |
Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) - chia sẻ, trong tháng 8 này công ty có hợp đồng xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo cho đối tác. Tuy nhiên với tình hình TP. Cần Thơ đang thực hiện giãn cách như hiện nay thì phải hết giãn cách - tức là từ ngày 16/8 trở đi, công ty mới có thể xuất khẩu được.
“Dù chúng tôi đang thực hiện 3 tại chỗ nhưng nhân lực chỉ còn 2/5 so với thời điểm bình thường. Việc 3 tại chỗ chỉ là tình thế tạm thời, giúp công ty hoạt động cầm chừng, chế biến phục vụ nội địa. Bởi với xuất khẩu thì số công nhân hiện tại không thể đảm đương được hết các công đoạn từ sản xuất, đóng hàng, vận chuyển ra container… Đó là chưa kể mô hình 3 tại chỗ là hoàn toàn khép kín nên việc mở thêm một nhà kho, một điểm trung chuyển khác sẽ không đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch”- ông Bình phân tích.
Cũng như Trung An, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phước Thành IV (Vĩnh Long) - cho biết: Phước Thành IV hiện còn khoảng 2.600 tấn gạo đã ký kết hợp đồng phải giao cho đối tác nên công ty đang cố gắng đàm phán tìm tàu và container đóng hàng để kịp giao. Riêng với những hợp đồng mới - công ty đã từ chối hết vì không thể dự báo trước được tình hình như hiện nay.
Theo ông Thành, để duy trì hoạt động, mọi chi phí của công ty đã tăng gấp 3. Ví dụ trước đây thuê phương tiện vận chuyển 1 tuần chỉ khoảng 1 triệu đồng thì nay tăng lên 3 triệu đồng. Chưa kể lương công nhân hiện tăng gấp đôi song công suất vận hành nhà máy chỉ đạt 30% so với lúc bình thường. Thêm vào đó, giá cước thuê container vốn đang ở mức rất cao nay lại thêm chi phí cước vận chuyển nội địa tăng mạnh nên doanh nghiệp buộc phải chọn cách thu mua lúa cầm chừng.
“Chúng tôi dự kiến sẽ xuất khẩu 1.000 tấn gạo trong tháng này theo hợp đồng đã ký để giữ chữ tín với đối tác. Sau đó sẽ đóng cửa toàn bộ nhà máy để tạm ngưng đến khi dịch được kiểm soát”- ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE (Cần Thơ) chia sẻ.
Nêu lý do tạm ngưng hoàn toàn hoạt động sản xuất, xuất khẩu, ông Có cho biết: Nếu như thời điểm bình thường việc vận chuyển lúa từ cánh đồng về nhà máy của VRICE tại Cần Thơ chỉ 100.000 đồng/tấn thì nay tăng gấp 3 lần bởi chi phí bốc xếp tăng hơn, chưa kể phải chi trả thêm tiền xét nghiệm và tiền lưu kho. Trong khi đó, dịch bệnh đang ngày càng tăng cao và doanh nghiệp chọn giải pháp an toàn sức khỏe người lao động, tạm thời lưu trữ lúa chờ căng thẳng qua đi.
Tương tự, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An - cho hay, hiện việc thương thảo hợp đồng với đối tác rất khó khăn do khách hàng ép giá, so sánh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác trong khu vực. Nếu cố xuất khẩu doanh nghiệp sẽ chịu thua lỗ vì phải chi trả rất nhiều khoản phí, thuế tăng mạnh so với trước đây.
Cấp bách gỡ khó để không mất thị trường
Việc các doanh nghiệp khẳng định chỉ làm hết số lượng đơn hàng đã ký kết rồi tạm ngưng dấy lên lo ngại ngành gạo xuất khẩu có thể mất thị trường vào tay đối thủ khác. Liên quan vấn đề này, ông Phan Văn Có thừa nhận: Chúng ta có thể sẽ mất thị trường. Lý do, nhà nhập khẩu luôn chọn nhập hàng từ 2-3 nước xuất khẩu để đa dạng hoá nguồn cung và chủ động hơn khi có sự cố. Ngoài ra, việc các tỉnh trong vùng ĐBSCL thời gian qua giới hạn vận chuyển với nhau đã gây đứt gãy chuỗi hàng hóa xuất khẩu, đối tác theo dõi được tình hình và có thể đã chọn phương án nhập hàng từ nước khác để đảm bảo cho thị trường của họ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, Việt Nam sẽ bị mất thị trường tại Trung Đông, châu Phi do các đối tác nhập khẩu sẽ tìm đến nguồn khác từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan… “Chúng tôi có thể chỉ giữ được khách hàng truyền thống như Philippines do đối tác rất hiểu và có thể điều phối tàu dời mua riêng từng container hàng nếu cần thiết”- ông Thành cho biết thêm.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, ông Phạm Thái Bình đề xuất: Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cần nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân. Bởi lẽ lúa Hè Thu ở ĐBSCL đang đến kỳ rộ thu hoạch, tuy vậy nhiều diện tích lúa đã không được thu mua, sấy khô kịp thời, dẫn đến chất lượng bị giảm sút. Do đó, việc ưu tiên vay vốn cho doanh nghiệp thời điểm này rất quan trọng, giúp họ tiếp tục bám trụ sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, theo ông Phan Văn Có, Chính phủ cần nhanh chóng tiêm vắc xin cho những người hoạt động trong ngành logistics như công nhân viên bến cảng. Khi họ được hoạt động bình thường sẽ giúp hàng hóa lưu thông được thuận lợi hơn so với tình trạng ách tắc tại cảng đang gia tăng như hiện nay.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay ước tính đã giảm 10,6% so với một năm trước, đạt 3,6 triệu tấn; kim ngạch ước tính cũng giảm 0,6% xuống 1,9 tỷ USD. Trong đó riêng tháng 7, xuất khẩu ước đạt 500.000 tấn, trị giá 289 triệu USD. Việc xuất khẩu gạo sụt giảm do tác động từ dịch bệnh, phải cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, dẫn tới giá xuất khẩu hiện ở mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. |