Hiệp định EVFTA: Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khai thác các thị trường ngách từ EU Khai mạc Hội nghị thường niên Ủy ban Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương |
Bên lề Hội nghị thường niên Ủy ban Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương lần thứ 19 (Hội nghị WCPFC 19) đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng (từ 27/11 – 03/12), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Hào – Đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam liên quan đến cơ hội và thách thức của xuất khẩu cá ngừ đại dương Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ các hiệp định EVFTA, CPTPP |
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hội nghị WCPFC 19 đối với ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam?
Doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam hiện nay đang tập trung vào 2 mảng chính là cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đóng hộp. Việc tham gia Hội nghị thường niên Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và rộng với thị trường quốc tế. Sau khi có chiến lược khai thác của ngành cá ngừ toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ có định hướng, chiến lược khai thác cá ngừ Việt Nam. Từ đó, vạch ra hướng đi và mở rộng thị trường khác cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đồ hộp.
Những bất ổn của các khu vực trên thế giới cũng như bất ổn của kinh tế thế giới tác động thế nào đến ngành chế biến, xuất khẩu cá ngừ?
Không thể phủ nhận bất ổn của các khu vực và kinh tế trên thế giới là thách thức đối với ngành xuất khẩu cá ngừ. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng thấy trong đó những cơ hội cho ngành. Đặc biệt là ở những khu vực như Trung Đông, Mỹ La tinh có những bất ổn thì cũng là lúc cá ngừ đóng hộp Việt Nam tiêu thụ rất mạnh tại các thị trường đó.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cá ngừ cũng có những cơ hội lớn đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu khi tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (hiệp định EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (hiệp định CPTPP). Đây là những hiệp định mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ nói riêng vẫn chưa sử dụng hết những lợi thế từ các FTA này mang lại.
Hiện, Hiệp hội cá ngừ đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp để tận dụng, khai thác hết tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định EVFTA, CPTPP, cũng như tranh thủ tận dụng các lợi thế trong các hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia khác.
Các đại biểu tham dự WCPFC 19 tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cá ngừ tại Hội nghị WCPFC 19 ngày 28/11 (Ông Trần Văn Hào - Đại diện Hiệp hội cá ngừ Việt Nam thứ 2 từ phải sang) |
Một trong những thách thức hiện hữu của thủy sản Việt Nam nói chung, của ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ nói riêng là vấn đề “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EC). Ngành khai thác, chế biến cá ngừ có những định hướng gì để góp phần sớm gỡ “thẻ vàng” này?
Hiệp hội đang phối hợp rất chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các bên liên quan để triển khai một loạt các giải pháp khắc phục các vấn đề liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Trong đó, hiện nay 100% tàu cá đánh bắt xa bờ của ngành cá ngừ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Đồng thời, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục thủy sản thực hiện chiến lược số hóa thông tin trong nghề cá. Trong đó, thiết kế nhật ký khai thác điện tử và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để áp dụng cho tàu cá cũng như các doanh nghiệp làm truy xuất nguồn gốc.
Từ đó, minh bạch được các thông tin trong quá trình từ khai thác, chế biến và xuất khẩu ngành cá ngừ. Để chúng ta nói với thế giới rằng chúng ta đang minh bạch nghề cá và Việt Nam luôn nỗ lực để gỡ "thẻ vàng" của Châu Âu.
Ngoài tận dụng lợi thế các FTA, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC, bản thân các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu cá ngừ cần làm gì để tăng sức cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu?
Hiện nay ngành khai thác, chế biến cá ngừ đang có khá nhiều công nghệ để hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm. Có thể nhắc đến như công nghệ bắt lên và xử lý cá của Nhật Bản. Công nghệ này hiện đã được áp dụng gần như là đại trà ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Bên cạnh đó còn công nghệ bảo quản sau thu hoạch đó là công nghệ Nano và công nghệ đá sệt để bảo quản cá. Ngoài ra, áp dụng các máy móc công nghệ hiện đại để xử lý cá một cách nhanh nhất, giữ được chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ này có thể còn chưa nhiều.
100% tàu cá đánh bắt xa bờ ngành cá ngừ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình |
Hiện Hiệp hội đang cố gắng liên kết gồm cả bà con ngư dân, đơn vị thu mua ở các cảng cá ở các địa phương và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để tạo thành một chuỗi liên kết. Trong đó, bao gồm chú trọng cả chuỗi tiêu thụ nội địa đối với các nhà hàng trong nước có nhu cầu là các sản phẩm cá ngừ chất lượng cao để ăn sashimi; đồng thời kết nối với các chuỗi xuất khẩu đi Châu Âu và đi Mĩ để tạo thành một mối liên kết, chuỗi liên kết khai thác - chế biến - xuất khẩu (tiêu thụ) của toàn ngành cá ngừ.
Chúng tôi kỳ vọng khi thực hiện được điều này sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cá ngừ Việt Nam trong tương lai.
Xin cảm ơn Ông!