Việt Nam – Myanmar cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Myanmar: Quan hệ đối tác toàn diện ngày càng sâu sắc và bền chặt |
Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết, tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Myanmar đạt 489 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar đạt 311 triệu USD, giảm 15% và nhập khẩu đạt 178 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phương tiện vận tải phụ tùng, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị và dụng cụ, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, dây điện và cáp điện, chất dẻo nguyên liệu…
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: TTXVN) |
Theo Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, kim ngạch xuất khẩu vào Myanmar giảm chủ yếu do Myanmar vừa qua đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhập khẩu; việc thanh toán, chuyển tiền từ Myanmar cho hợp đồng thương mại (đường biển bằng USD) đòi hỏi không chỉ giấy phép nhập khẩu mà còn phải được Uỷ ban Kiểm soát ngoại hối Myanmar cho phép.
Ngoài ra, hoạt động thương mại, đặc biệt biên mậu giữa Myanmar và các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ các doanh nghiệp hai bên đã được phép sử dụng đồng nội tệ. Việc cấp phép nhập khẩu cho thương mại qua biên giới và với các nước này cũng diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, thời gian qua, có các doanh nghiệp chuyển hướng, tăng cường nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ.
Cùng với đó, thị trường Myanmar có những dấu hiệu cho thấy tổng cầu không có sự tăng trưởng. Tính đến ngày 31/8/2023 của năm tài chính 2023-2024, kim ngạch xuất nhập của Myanmar đạt 13,7 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm tài chính trước đó. Đầu tư FDI và ODA vào Myanmar đã chững lại, cùng với việc doanh nghiệp nội địa hoạt động cầm chừng đã làm cho hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường (như sắt thép, máy móc thiết bị…) bị hạn chế.
Bên cạnh đó, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Myanmar đều phải có giấy phép trừ một số mặt hàng máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Thời gian xin giấy phép nhập khẩu hàng thông thường bằng đường biển mất khoảng 3,5 tháng, trong khi đó bằng đường bộ mất khoảng 4-6 ngày.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, tình hình nhập khẩu của Myanmar từ các nước nói chung đều gặp nhiều khó khăn. Căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng: Tiếp tục chủ động làm việc qua kênh các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp phân phối, các nhà thầu, siêu thị và doanh nghiệp đối tác khác của Myanmar nhằm kết nối với các nhà cung cấp của Việt Nam.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong nước hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu dự án trong các gói thầu, dự án nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhật là các mặt hàng máy móc, thiết bị điện, dây cáp điện, sắt thép và vật liệu xây dựng; tổ chức các hoạt động giao thương, đoàn doanh nghiệp hai nước, tham dự các hội chợ.
Thông tin thêm, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết, hiện Thương vụ đang hợp tác cùng Hiệp hội Doanh nhân Miến Điện của Myanmar tổ chức Hội chợ Thương mại Miến Điện - Việt Nam từ ngày 1/11/2023 tại Junction City, Yangon. Phía Việt Nam sẽ tham gia với 22 gian hàng. Hội thảo giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Myanmar dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 1/11/2023 bao trùm không gian hội chợ với sự tham gia của lãnh đạo, thành viên các liên đoàn Phòng Thương mại, Hiệp hội và doanh nghiệp hàng đầu của Myanmar.
Ngoài ra, Thương vụ khuyến nghị tới các doanh nghiệp cần thực hiện các hoạt động, giao dịch với đối tác Myanmar theo đúng chủ trương, chính sách, sử dụng các phương thức thanh toán an toàn.