Đây là những nội dung đưa ra tại Hội thảo phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA đối với ngành lương thực thực phẩm và ngành cơ khí - điện, do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 13/11.
Đông đảo doanh nghiệp tham dự hội thảo, tập huấn |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện thị trường EU chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 3,2 tỷ USD giảm 8,6% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày, dép; hàng dệt, may; hạt điều; túi xách, ví,va li, mũ và ô dù; sản phẩm chất dẻo…
Những con số nêu trên cho thấy, doanh nghiệp của thành phố hiện vẫn chưa tận dụng hết lợi thế của EVFTA để thâm nhập thị trường EU. Điều này xuất phát từ dịch bệnh và do việc nắm bắt các quy tắc xuất xứ để đáp ứng cam kết của EVFTA trong cộng đồng doanh nghiệp còn chưa thực sự đầy đủ.
Theo các chuyên gia, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và EVFTA nói riêng, quy tắc xuất xứ là một bộ phận rất quan trọng, bởi để hưởng ưu đãi thuế quan thì hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ theo quy định trong các FTA.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, giống như các ngành khác, các sản phẩm thuộc ngành lương thực thực phẩm và cơ khí điện cũng được phân thành hai loại hàng hóa có xuất xứ thuần túy (cây trồng, sản phẩm cây trồng được trồng/thu hoạch tại nước thành viên).
Bà Hiền dẫn chứng, cà phê, trái cây trồng tại Việt Nam được coi là sản phẩm có xuất xứ thuần túy của Việt Nam và khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng ưu đãi 0% đối với mặt hàng này. Nếu có cây giống Thái Lan trồng tại Việt Nam thì và sản phẩm đó cũng được coi là sản phẩm xuất xứ thuần túy. Tương tự, đối với vật nuôi, Hiệp định quy định động vật sống sinh ra và lớn lên tại nước thành viên thì được coi có xuất xứ tại Việt Nam.
Đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy để được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng yêu cầu về: Tiêu chí chuyển đổi cơ bản; tiêu chí về hạn mức nguyên liệu; tiêu chí công đoạn gia công, chế biến. Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề này, bà Hiền cho hay, sản phẩm bún gạo xuất khẩu được nhập nguyên liệu như lúa, gạo từ các nước Thái Lan, Campuchia…. Tuy nhiên, do sản phẩm này được chuyển đổi cơ bản về bản chất hàng hóa, do đó đáp ứng tiêu chí chuyển đổi cơ bản nên vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.
Về tiêu chí hạn mức nguyên liệu, nếu sản phẩm xuất khẩu được doanh nghiệp sử dụng 100% nguyên liệu tại Việt Nam thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng nếu sử dụng sản phẩm từ nguồn nhập khẩu thì chỉ được tối đa 10% đối với sản phẩm công nghiệp
Theo các chuyên gia, việc nắm rõ các quy định, yêu cầu của Hiệp định EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có sự chuẩn bị tốt thông qua việc chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này. Từ đó, tận dụng cơ hội do EVFTA đem lại, nhằm đầy mạnh xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, nhất là những mặt hàng có thế mạnh.