Ngành sợi bắt nhịp hội nhập Phát triển bền vững ngành sợi Việt Nam trong hội nhập quốc tế |
Tăng trưởng 2 con số nhưng không làm mờ đi khó khăn
Theo số từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu 282.059 tấn xơ sợi dệt các loại, tương đương hơn 666,75 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ là thị trường nhập khẩu sợi nhiều nhất của Việt Nam, ngoài ra còn có Indonesia, Bangladesh, Brazil, Campuchia…
Dù xuất khẩu sợi tăng trưởng 2 con số tuy nhiên vẫn không làm doanh nghiệp sản xuất bớt lo lắng. Ông Phạm Văn Tuyên – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 từng nhận định, thị trường sợi có thể tiếp tục khó khăn đến hết năm do tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột, lạm phát. Giá nguyên liệu bông neo ở mức cao dẫn đến sợi bán ra bị lỗ.
Doanh nghiệp ngành sợi khó chồng khó. Ảnh minh họa |
Nhận định tương tự, theo đại diện Công ty CP Dệt May Huế, thị trường sợi năm 2024 vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, phụ thuộc rất lớn vào tình hình giá nguyên liệu đầu vào và đang chịu tác động mạnh từ các nhà đầu cơ.
Mặt khác, xung đột tại khu vực Biển Đỏ khiến giá tàu các tuyến đi châu Âu vẫn tăng, thời gian vận chuyển kéo dài hơn 3-5 tuần so với trước đây làm tăng chi phí, gây khó khăn trong việc lấy booking tàu và ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển nguyên liệu sản xuất sợi.
Ông Viên Minh Đạo – Giám đốc Chi nhánh Vinatex Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định thông tin thêm, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi với sự quan tâm ngày càng cao đối với các sản phẩm dệt may bền vững và công nghệ cao, như sợi tái chế, sợi sinh học, sợi thông minh, sợi kháng khuẩn, kháng cháy… So với những năm trước, nhu cầu tiêu dùng các loại sợi này đã tăng khoảng từ 15% đến 20%. Điều này đặt doanh nghiệp trong nước trước yêu cầu phải chuyển đổi sản xuất, đồng nghĩa phải bỏ vốn đầu tư.
Doanh nghiệp mong được trợ sức
Những khó khăn của ngành sợi ngoài yếu tố thị trường, lạm phát, xung đột, logictics, theo ông Phạm Văn Tuyên lãi suất ngân hàng vẫn giữ ở mức cao dẫn đến doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn cho sản xuất cũng là thách thức lớn.
Từng lên tiếng về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn ra vừa qua, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nêu, hiện nay, tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024.
“Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ khoảng 20%, năm nay yêu cầu phải 100% hoặc áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9”, Chủ tịch Vinatex cho hay.
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh, mỗi năm các doanh nghiệp sợi đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu USD. Bên cạnh đó, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ USD, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện. "Ngành sợi hiện đang rất lỗ, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Lê Tiến Trường đặc biệt nhấn mạnh
Khó khăn của ngành sợi hiện nay là tình trạng chung của các doanh nghiệp rất cần được tiếp tục hỗ trợ để vượt qua. Do đó, theo Chủ tịch Vinatex, với doanh nghiệp ngành sợi, ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì được sản xuất.
Mặt khác, hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Theo đó, ông Lê Tiến Trường cho rằng, câu chuyện về có chính sách hỗ trợ như thời kỳ Covid-19 đối với giai đoạn phục hồi này cũng hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu. "Chính sách liên quan đến tỷ giá, 2 năm vừa qua mức giảm giá của Việt Nam đồng chỉ 5% rất khó khăn cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh khác. Chúng tôi cũng không dám nói nên giảm đi bao nhiêu, nhưng có lẽ 5% thì ít và khó cho các ngành xuất khẩu phục hồi", ông Lê Tiến Trường nói.