Để hiện thực hóa những cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính về bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021), Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra chiến lược, mục tiêu trong tương lai, trong đó có xây dựng khung chính sách phát triển thị trường các-bon.
Theo lịch trình dự kiến, thị trường các-bon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Hiện, Chính phủ đã bắt đầu thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính đối với các ngành: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp và xử lý chất thải.
Đây là cơ sở để tính toán hiện trạng phát thải của các ngành kinh tế và xác định hạn ngạch phát thải CO2 phù hợp với từng ngành, đồng thời đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính, làm tiền đề tham gia thị trường các-bon sau này.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn phải lập kế hoạch giảm thiểu khí thải trong thời gian tới. Ảnh minh họa |
Trong Quyết định số 1/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở, doanh nghiệp đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Trong năm 2023 đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn phải lập kế hoạch giảm thiểu khí thải trong thời gian tới. Doanh nghiệp Nhật Bản Panasonic cho biết, doanh nghiệp này đã phủ xanh 79 héc-ta đất rừng trên khắp cả nước với 355.000 cây xanh. Ngoài ra, Panasonic cũng có kế hoạch hỗ trợ khách hàng và xã hội trong việc giảm phát thải bằng sản phẩm và giải pháp tiết kiệm năng lượng như pin mặt trời perovskite và Kinari, một giải pháp vật liệu bền vững thay thế nhựa. Tất cả những giải pháp này đều hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng CO2 bằng 0 tại tất cả công ty thành viên vào năm 2030, bao gồm cả ở Việt Nam.
Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Đạo Hữu, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina (KCN Gò Dầu, H.Long Thành) cho rằng, Việt Nam chưa bắt buộc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính nhưng nhiều thị trường nước ngoài đã khá khắt khe với việc này. Do đó, từ năm 2023, công ty đã đầu tư hệ thống lò đốt chất thải để thu hồi hơi thay vì đốt bỏ như trước, việc này giúp công ty tiết kiệm được dầu dùng để đốt, tránh lãng phí chất thải, thu được nhiệt.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thị trường các-bon là chìa khóa thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có một thị trường các-bon trong nước để làm “bệ đỡ” vận hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu có yêu cầu tiêu chuẩn về dấu vết các-bon.
Tiềm năng về thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn. Để sẵn sàng trên cuộc đua thị trường các-bon hướng tới phát triển bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp. Từ đó thích ứng nhanh, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, hiệu quả để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài. Đặc biệt là thay đổi công nghệ sản xuất, đồng thời nghiên cứu, tính trước tín chỉ carbon cho doanh nghiệp mình.
Nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức và doanh nghiệp ngành Công Thương đối với hoạt động mua, bán trao đổi tín chỉ carbon, thị trường carbon trong thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngày 14/6/2024 vừa qua, Bộ Công Thương ban văn bản số 4107/KH-BCT về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Theo văn bản, các đơn vị chủ trì nhiệm vụ được giao trong kế hoạch chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng, phù hợp quy định của pháp luật; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao; Các hoạt động truyền thông phải đảm bảo đúng nội dung, đúng đối tượng trong phạm vi quản lý của ngành Công Thương.