Doanh nghiệp thực phẩm rộng đường xuất khẩu Bắc Giang công khai danh tính 79 doanh nghiệp nợ thuế; Nhiều vi phạm tài chính tại Công ty Nam Đuống |
Tại dự thảo Tờ trình Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế suất thuế TNDN. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất bổ sung quy định để áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn đối với DN quy mô nhỏ.
Việc đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ cần phải dựa trên nguyên tắc: Hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất, tránh dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đặc biệt trong bối cảnh việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước tiếp tục được đặt ra.
Hiện số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ (theo tiêu chí xác định như quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa) chiếm tới 93% tổng số DN ở Việt Nam và nếu tính cả số lượng DN có quy mô vừa thì nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số DN.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu áp dụng các chính sách hỗ trợ cho toàn bộ nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì gần như toàn bộ DN tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển. Đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa DN vừa với các DN nhỏ, DN siêu nhỏ trong khi nhóm DN vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Do đó, để đảm bảo chính sách hỗ trợ đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ, tránh dàn trải, phù hợp với Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ về thuế TNDN đối với nhóm DN có quy mô nhỏ đã được thực hiện thời gian qua, cũng như đảm bảo đơn giản, thuận lợi trong thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất có thể xem xét cho phép DN thuộc nhóm DN nhỏ và DN siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15%.
Các mức thuế suất này đảm bảo sự khuyến khích, hỗ trợ tương đương với mức thuế suất ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN đang áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và có mức độ khuyến khích cao hơn mức thuế suất đã áp dụng trong giai đoạn 2013-2016.
Để đảm bảo chặt chẽ, hạn chế việc lợi dụng chính sách cần đồng thời quy định mức thuế suất ưu đãi nêu trên không áp dụng đối với công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà DN trong quan hệ liên kết không đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi theo quy định.
Hiện nay, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển DN nhỏ và vừa, như ban hành, sửa đổi các chính sách thuế, chính sách tài chính - tín dụng. Sự hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa thông qua hình thức tín dụng ngân hàng chủ yếu được thực hiện bằng các khoản cho vay của ngân hàng thương mại quốc doanh. Các ngân hàng thương mại chủ động hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong việc lập dự án sản xuất kinh doanh, loại bỏ sự phân biệt đối xử của ngân hàng đối với các DN nhỏ và vừa ngoài quốc doanh.
Tuy nhiên cộng đồng DN nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn. Trình độ quản lý hạn chế, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy đối với người cho vay... Nhiều doanh nghiệp cho biết, để hoạt động họ thường vay vốn từ các tổ chức tài chính phi chính thức, tư nhân, bạn bè, họ hàng và bản thân người lao động trong DN. Do vậy, DN nhỏ và vừa có kế hoạch mở rộng sản xuất thì lại thiếu vốn. Hơn nữa, do hầu hết các khoản vay đều là ngắn hạn với mức lãi suất cao nên các DN nhỏ và vừa cho dù có được phép vay vẫn khó tìm được nguồn vốn trung và dài hạn.