Ảnh minh họa |
Xin ông cho biết ưu điểm của hình thức tự chứng nhận xuất xứ? Hiện đã có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) được tự chứng nhận?
Quy tắc xuất xứ là nội dung quan trọng của FTA, giúp DN tận dụng ưu đãi từ cam kết thuế. Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi, nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA. Đối với hình thức tự chứng nhận xuất xứ, DN được quyền chủ động tự quyết hoàn toàn đối với xác định xuất xứ hàng hóa do mình làm ra. Tất nhiên để được quyền tự quyết, nhà nước phải đặt lòng tin vào DN. Muốn vậy, nhà nước phải đặt ra tiêu chí để DN không vi phạm pháp luật, không gian dối hay cố tình cấp sai quy tắc xuất xứ.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương |
Việc DN tự chứng nhận xuất xứ mới chỉ được thí điểm và cho đến nay mới có một DN được tự chứng nhận. Hiện Bộ Công Thương đang nhận hồ sơ một số DN xin tự chứng nhận, nhưng đây mới chỉ là chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN chứ chưa có những thị trường khác.
Để được chứng nhận xuất xứ, DN cần đáp ứng những tiêu chí gì và đâu là khó khăn mà DN phải đối mặt, thưa ông?
Thực tế cho thấy, việc tự chứng nhận quy tắc xuất xứ sẽ trở thành hàng rào kỹ thuật nếu DN không nắm vững quy tắc. Đây là khó khăn lớn mà DN phải đối mặt trong thời gian qua. Khi DN chưa hiểu rõ yêu cầu của quy tắc xuất xứ, quy định hàm lượng xuất xứ, với từng hiệp định, DN chưa biết phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào cho phù hợp hoặc thay đổi quy trình sản xuất như thế nào, thay đổi cơ cấu nguyên liệu ra sao để có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ đó. Điều này không khó nhưng có thể DN chưa biết lại nghĩ rằng khó.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với DN khi áp dụng hình thức này là kim ngạch xuất khẩu. Với quy định của Thông tư 28/2015/TT-BCT, DN phải đạt kim ngạch xuất khẩu tối thiểu 10 triệu USD; có quá trình chấp hành tốt pháp luật nhất là thuế, hải quan, xuất nhập khẩu; bộ máy đủ năng lực… bởi khi tự chứng nhận, tức là DN đang tự làm thay vai trò của nhà nước. Nếu đội ngũ cán bộ DN không nắm bắt được vấn đề, quy định cần thiết dẫn đến chứng nhận sai thì không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng đến quốc gia.
Quy tắc xuất xứ trong FTA thế hệ mới (bao gồm cả TPP) có điểm gì khác so với các FTA trước đây mà Việt Nam đã thực hiện, thưa ông?
Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt và có phần lỏng hơn so với quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, trong đó có TPP. Do đó, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho DN và bản thân DN không chủ động cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, sẽ không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai chương trình DN xuất khẩu được quyền tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, khi tham gia TPP, có một điểm khác biệt là các quốc gia nhập khẩu sẽ là người cấp chứng nhận xuất xứ chứ không phải DN tự chứng nhận. Các nội dung mới trong TPP có lộ trình triển khai và cần phải có quá trình trao đổi giữa các bên để làm sao các nhà nhập khẩu chấp nhận DN được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Xin cảm ơn ông!