Thị trường có nhu cầu thực phẩm lớn
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường các nước khu vực Trung Đông không chỉ có kim ngạch nhập khẩu đến năm 2020 dự kiến sẽ lên tới 1.500 tỷ USD, mà còn là địa bàn trung chuyển hàng hóa nổi tiếng đi các châu lục xung quanh. Ngoài ra, thị trường Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm rất cao chiếm khoảng 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.
Thủy sản một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào khu vực Trung Đông - châu Phi |
Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với châu Phi - Trung Đông đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, hạt điều, tiêu, cà phê, sản phẩm dệt may, vật liệu xây dựng và nhập khẩu các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt, hóa chất, chất dẻo…
Do là khu vực thị trường có sức mua và khả năng tài chính cao nên Trung Đông cũng có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khá cao, DN Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần chú trọng những yếu tố này. Đồng thời cần nghiên cứu, đổi mới quy cách, mẫu mã phù hợp với tập quán tiêu dùng của các nước, đặc biệt lưu ý tới tiêu chuẩn Halal dành cho người Hồi giáo.
Với thị trường châu Phi, theo bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Tây Á - châu Phi (Bộ Công Thương), châu Phi là khu vực có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng sản xuất chưa phát triển, do đó nhu cầu hàng tiêu dùng, lương thực rất lớn. Mặt khác, đây cũng là nơi cung cấp các nguyên liệu thiên nhiên và nông sản thô phục vụ ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam. Việt Nam hiện xuất khẩu gạo, điện thoại và các linh kiện điện tử, hàng thủy sản, cà phê, sản phẩm may mặc, giày dép và nhập từ châu Phi hạt điều nguyên liệu, bông, gỗ, nguyên phụ liệu và thức ăn gia súc.
Khai thác tiềm năng thị trường
Hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được xuất khẩu nhiều vào Trung Đông như chanh không hạt, gạo, thanh long, ổi... Khu vực thị trường này cũng có các hệ thống chuỗi siêu thị lớn và là trạm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của khu vực Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, đây cũng là nơi đặt trụ sở, chi nhánh của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, thuận lợi cho các DN Việt Nam thành lập chi nhánh để tái xuất hàng hóa sang các quốc gia khác.
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, để khai thác tốt thị trường Trung Đông - châu Phi, ITPC đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị nhằm thông tin đến các DN những thuận lợi và nhu cầu các chủng loại hàng hóa nhất là mặt hàng nông sản thế mạnh của khu vực phía Nam. ITPC cũng luôn khuyến cáo DN phải nắm bắt kịp thời những thay đổi chính sách, thủ tục pháp lý khi làm ăn với đối tác ở những thị trường xa này.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu trong khâu thanh toán còn nhiều khó khăn thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại Việt Nam tích cực tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn với thị trường các nước Trung Đông và châu Phi, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện chức năng trung gian thanh toán cho các DN và nhà đầu tư Việt Nam với thị trường này.