Trong khủng hoảng hiện nay, tổn thất của những DN vừa và nhỏ trong ngành du lịch được đánh giá rất nặng nề. Vậy, dự báo về khả năng trụ vững của họ như thế nào, theo ông?
Dịch Covid – 19 diễn biến ngày một phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng lớn tới các DN du lịch, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ. Hiện tại, DN đã có phương án chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để hỗ trợ duy trì. Cũng có DN phải cho nhân viên nghỉ việc, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì nhân viên nhằm sau dịch phục hồi nhanh chóng. Nhưng tôi nghĩ, với tình hình kéo dài chưa có hồi kết như hiện nay, sẽ rất nguy hiểm với các DN, đặc biệt là DN yếu về nguồn lực như vốn ít, chi phí nhiều.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam |
Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời hỗ trợ các ngành sản xuất, lĩnh vực kinh doanh trong đó có du lịch. Hiện, việc đón nhận thông tin và tiếp cận chính sách của DN trong ngành ra sao, thưa ông?
Chính phủ đã có những hỗ trợ kịp thời trong lúc khó khăn là điều tất cả đơn vị đều mong mỏi, nhưng hiện chưa thông báo tới các DN, cá nhân làm thủ tục hồ sơ, cũng như điều kiện tiếp nhận nguồn hỗ trợ. Trong lúc này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện cách ly toàn xã hội, không tụ tập đông người, vậy cách kê khai hay làm hồ sơ online như thế nào cũng là câu hỏi mà DN đang chờ đợi được giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, khủng hoảng trước dịch Covid-19 như một phép thử đối với lĩnh vực du lịch cũng như giới DN. Vậy theo ông, đâu là kinh nghiệm, bài học cần được rút ra từ đại dịch này?
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng qua dịch bệnh này ta nhìn thấy toàn xã hội, mọi công dân Việt Nam đều đồng lòng, chung tay phòng chống dịch; đặc biệt, DN du lịch đã chung tay xây dựng các sản phẩm kích cầu, hỗ trợ lẫn nhau trong thảo luận, tìm cách xử lý khó khăn tồn đọng, vạch ra định hướng để phục hồi. Qua đây ta nhìn nhận một điều, tất cả DN, đặc biệt là các DN du lịch lữ hành cần đoàn kết, sẻ chia, xây dựng sản phẩm và hỗ trợ nhau phát triển; tránh cạnh tranh không lành mạnh, như hạ giá thành, giảm chất lượng dịch vụ làm mất đi uy tín, hình ảnh của du lịch Việt Nam. Một kinh nghiệm tích cực nữa mà DN nhận thấy, đó là: Kết nối sử dụng công nghệ áp dụng vào thực tiễn, nhất là hoạt động kinh doanh, điều hành DN. Đây cũng là giải pháp hạ tầng mà DN cần đầu tư nhiều hơn, để giảm thiểu những chi phí cơ bản khi vận hành, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ.
Du lịch sinh thái, cộng đồng được dự báo tăng mạnh sau đại dịch |
Dự báo có nhiều thay đổi về xu hướng du lịch sau dịch. Du lịch bền vững, cộng đồng, sẽ được chú trọng hơn. Vậy, DN của VCTC đã có sự chuẩn bị, tính toán khai thác dòng sản phẩm này như thế nào, thưa ông?
Thực chất đến thời điểm này, khoảng thời gian với cách ly xã hội đã làm cho con người ta muốn thoát khỏi sự gò bó, vì vậy sau dịch sẽ là sự bùng phát của những chuyến đi trải nghiệm. Đặc biệt, nhu cầu trải nghiệm các chương trình sinh thái, du lịch cộng đồng sẽ tăng mạnh. Dòng sản phẩm về sinh thái, cộng đồng sẽ được chú ý nhiều hơn, vì giá cả phải chăng, nhiều trải nghiệm lý thú, hấp dẫn.
Trước khi đại dịch xảy ra, Hội VCTC đã tập trung khai thác mạnh sản phẩm này và hiện vẫn đang tiếp tục hỗ trợ để đưa các sản phẩm đã hoàn thiện vào khai thác, cũng như tư vấn, hỗ trợ thêm nhiều làng du lịch cộng đồng tại nhiều địa phương xây dựng, đưa vào bộ sản phẩm chung về du lịch cộng đồng Việt Nam, tiến tới phục vụ rộng rãi mọi đối tượng du khách.
Xin cảm ơn ông!