Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đã có chia sẻ với Báo Công Thương về cơ hội phục hồi giao thương, sản xuất, kinh doanh, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trước việc nới lỏng các điều kiện xuất nhập cảnh mới đây của Chính phủ.
Nhiều hoạt động giao thương sẽ sớm phục hồi |
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp suốt thời gian qua. Vì vậy, trong giai đoạn nền kinh tế đẩy mạnh phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mong mỏi, kỳ vọng gì vào cơ chế, chính sách, thưa ông?
Như chúng ta thấy, dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với kinh tế, xã hội và hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực rất hạn chế và hết sức mong manh. Đến nay, đây là đối tượng bị tổn thương rất nặng nề, số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm dừng kinh doanh tăng cao. Hệ lụy kéo theo đó là hàng ngàn lao động mất việc làm, đời sống an sinh không đảm bảo.
Trước khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã rất nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ để tiếp sức cho cộng đồng kinh doanh. Đặc biệt, bước vào giai đoạn mở cửa, phục hồi kinh tế hiện nay, liên tiếp những giải pháp quan trọng đã được Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương xây dựng, triển khai trong thực tế. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, những quyết sách về phục hồi kinh tế đang như một “liều thuốc”, gieo lên các hy vọng để họ có thêm động lực có thể sớm vực dậy các hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, từng bước phát triển ổn định trở lại.
Thưa ông, cùng với những giải pháp tổng thể trong Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội của Chính phủ, mới đây, Việt Nam cũng đã chính thức khôi phục chính sách miễn thị thực như trước đại dịch Covid-19. Theo ông, việc gỡ bỏ mọi hạn chế xuất nhập cảnh sẽ tạo cơ hội ra sao cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp?
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Khôi phục chính sách miễn thị thực là điều mà cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, thương mại mong ngóng từ lâu. Vì thế, ngay khi Chính phủ ban hành quyết định khôi phục chính sách miễn thị thực được giới doanh nghiệp trong lĩnh vực này đánh giá rất tích cực và họ hết sức phấn khởi do chính sách này sẽ có tác động mang tính bước ngoặt đối với "sức khỏe" của chính doanh nghiệp. Bởi, để lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại phục hồi vận hành trở lại khi hoạt động đón khách quốc tế và nội địa phục hồi. Mặt khác, khi kinh doanh du lịch đồng nghĩa sẽ vực dậy các hoạt động kinh doanh vệ tinh khác như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, hàng không…
Đặc biệt, chính sách thị thực thông thoáng đang mở ra cơ hội phục hồi cho hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp sau thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19. Mặc dù trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến được đẩy mạnh và mang lại những hiệu quả rất tích cực, tuy vậy, việc gặp gỡ, giao thương trực tiếp vẫn hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp. Thông qua các cuộc xúc tiến, giao thương trực tiếp, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể quan sát, nắm rõ nhu cầu của đối tác để có những chiến lược, hoạch định kinh doanh phù hợp.
Vì thế, tới đây, sau khi chúng ta khôi phục các chính sách miễn thị thực, gỡ bỏ một số quy định về cách ly y tế, tôi cho rằng các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại hứa hẹn sẽ phục hồi mạnh mẽ và diễn ra sôi động. Và cơ hội khơi thông dòng chảy đầu tư, thương mại cũng sẽ rộng mở hơn, qua đó chúng ta sẽ có điều kiện thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình phục hồi kinh tế, xã hội giai đoạn tới của Chính phủ.
Vậy thời gian tới, với chủ trương phục hồi kinh tế của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng tốc tận dụng, nắm bắt cơ hội như thế nào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
Có thể nói, cơ hội để vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang hiện hữu khi chủ trương, cơ chế, chính sách đã rất thuận lợi, thông thoáng. Cùng với đó là nhu cầu, sự quan tâm của thị trường đối với điểm đến Việt Nam đang gia tăng. Theo đó, để không tuột mất thời cơ vàng, doanh nghiệp, nhất là doanh nhỏ và vừa phải chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, tích cực đào tạo nguồn nhân lực để bắt kịp với sự thay đổi, đòi hỏi của thị trường.
Bên cạnh đó, để giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội sản xuất, kinh doanh, thiết nghĩ các Bộ ngành, chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!