Doanh nghiệp gỗ tận dụng EVFTA tiến sâu vào thị trường EU Doanh nghiệp gỗ ván ép đối mặt với thuế chống phá giá từ Hàn Quốc cao hơn 4% so với trước |
Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ bị thiệt hại rất lớn ngay khi bị thị trường xuất khẩu đưa vào danh sách điều tra phòng vệ thương mại. Vì vậy, việc cải thiện năng lực ứng phó cũng như cơ quan chức năng tăng cường cảnh báo sớm là yếu tố quan trọng để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam được duy trì một cách bền vững. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Tước vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đều gặp rủi ro, thiệt hại lớn. Ảnh: TTXVN |
Hoa Kỳ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường thường xuyên khởi xướng điều tra các vụ việc về phòng vệ thương mại đối với mặt hàng gỗ. Xin ông cho biết rõ hơn vấn đề này?
Đến nay, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ từ 50-55% tổng sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường có tính quyết định về tăng trưởng hàng năm của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, do xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nên gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thời gian gần đây đang bị “nội soi”, “ngoại soi” rất kỹ nhằm đảm bảo hàng hoá của Việt Nam không vi phạm quy định về trốn chống lẩn thuế phòng vệ thương mại vào thị trường.
Gần đây ngành gỗ gặp 3 vụ kiện phòng vệ thương mại đáng chú ý từ thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, vụ việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra gỗ dán cứng với cáo buộc vi phạm quy định chống lẩn tránh thuế. Sau thời gian điều tra rất dài, 37 doanh nghiệp Việt Nam bị vào danh sách đen, gần như bị đánh mất thị trường, không thể xuất khẩu gỗ dán vào thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài ra, vụ điều tra tủ bếp, bàn trang điểm từ gỗ và phụ kiện đi kèm bị Hoa Kỳ khởi xướng từ năm 2022. Mới đây, Hoa Kỳ cũng đã có phản quyết cuối cùng cho phép doanh nghiệp xuất khẩu và thị trường Hoa Kỳ, hưởng cơ chế tự xác nhận.
Tuy nhiên, gần đây, Liên danh khởi kiện của Hoa Kỳ cũng đang khiếu kiện tiếp, đề nghị tiếp tục điều tra và không công nhận phản quyết cuối của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Do đó, Hiệp hội và các doanh nghiệp đang phải theo dõi, cẩn trọng và đáp ứng đầy đủ yêu cầu tự chứng nhận mà DOC đã quy định với các sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam |
Trước các vụ điều tra từ thị trường, ông đánh giá gì về các rủi ro, thiệt hại đối với doanh nghiệp, cũng như năng lực ứng phó từ phía doanh nghiệp đã có sự cải thiện sau các vụ điều tra?
Thông thường, trước vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đều gặp rủi ro rất cao do hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ chú trọng sản xuất, sản xuất được theo mẫu mã nước ngoài nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng.
Mặt khác, ngay khi bị thị trường khởi xướng điều tra, doanh nghiệp đã đối diện với các rủi ro rồi. Do nhà nhập khẩu nước ngoài ngại "dính" vào rắc rối, chưa biết kết quả điều tra ra sao nên họ đã xem xét đến việc ngưng nhập khẩu. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải ngừng sản xuất, lao động không có việc làm…
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, như điều tra chống lẩn tránh thuế, cơ quan điều tra nước ngoài họ đưa ra rất nhiều bảng hỏi, số liệu yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải trả lời. Trong khi trên thực tế, doanh nghiệp chúng ta không vi phạm, nhưng do không đủ am hiểu về luật pháp nên khai báo không đúng, không nhất quán nên thường bị vào danh sách đen điều tra phòng vệ thương mại.
Gần đây, tần suất xuất hiện các vụ kiện, điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn. Nên chúng tôi rất lo ngại, nếu doanh nghiệp không chú trọng cải thiện năng lực ứng phó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu của gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các thị trường, nhất là Hoa Kỳ.
Vậy ông có đưa ra những khuyến cáo cụ thể như thế nào đối với doanh nghiệp trong ngành trong bối cảnh các thị trường, nhất là Hoa Kỳ đẩy mạnh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại?
Chúng tôi luôn khuyến nghị với doanh nghiệp, cùng với đầu tư vào dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, mở rộng sản xuất, tạo giá trị cạnh tranh phải đặc biệt chú ý nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Cụ thể, tăng cường đầu tư, áp dụng các phần mềm kế toàn hiện đại để khi bị thị trường khởi xướng điều tra doanh nghiệp có thể đưa ra các minh chứng cụ thể, đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh bị phong toả đầu ra của hàng hoá.
Tới đây, dự báo xu hướng bảo hộ tiếp tục được đẩy mạnh, cùng hàng rào về môi trường, sản xuất xanh, phát thải bằng 0 là những thác thức ngày càng cấp bách hơn đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm, có phân công, tổ chức bộ phận chuyên trách thực hiện công việc này, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Về phía Hiệp hội, chúng tôi cũng đã và đang cố gắng kết nối doanh nghiệp để không chỉ một doanh nghiệp mà nhiều doanh nghiệp cần phải chủ động hợp lực để đảm bảo tuân thủ các điều kiện của thị trường. Vì, nếu một doanh nghiệp không đảm bảo trách nhiệm giải trình, bằng chứng nguyên liệu sản xuất thì có nhiều doanh nghiệp có thể liên luỵ. Vì thế, khi có sự sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực ứng phó khi bị dồn vào chân tường chúng ta sẽ đủ năng lực để vượt qua.
Cùng với đó, theo ông cơ quan chức năng quản lý về công tác phòng vệ thương mại cũng như các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gỗ trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu ra sao?
Để góp phần ngăn chặn các thiệt hại, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các khoá tập huấn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng đã tham gia tích cực, nhờ đó năng lực ứng phó được tăng lên.
Đặc biệt, trong các vụ khởi kiện, khởi xướng điều tra… Cục Phòng vệ thương mại có những hướng dẫn cho Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp trong đáp ứng yếu từ cơ quan điều tra, trong đó, khâu khai báo nhất quán, giải trình, bằng chứng chứng minh không vi phạm đang làm rất tốt. Ngoài các khoá đào tạo trong bị các kỹ năng phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp, khi có vụ việc xảy ra, Cục Phòng vệ thương mại đã tích cực hướng dẫn doanh nghiệp làm các giải trình, khai báo kịp thời theo yêu cầu của thị trường.
Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó nhiều FTA có quy mô thị trường lớn… mở ra cơ hội để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đồng thời chúng ta phải đương đầu với xu hướng bảo hộ, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn. Nên các doanh nghiệp đang hết sức thận trọng để không bị thiệt hại, vướng vào lao lý từ bên ngoài mang đến. Theo đó, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, tôi cho rằng, công tác cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý rất quan trọng.
Thời gian qua, công tác cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được Cục Phòng vệ thương mại, cũng như các Cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, chú trọng. Và chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị Bộ Công Thương trong công tác cảnh báo sớm phòng vệ thương mại, qua đó giúp giảm thiểu các thiệt hại cho doanh nghiệp gỗ cũng như của ngành.
Tới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và doanh nghiệp gỗ mong rằng công tác này tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy, góp phần bảo vệ lợi ích, đảm bảo hoạt động xuất khẩu cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!