Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon đang được lấy ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung chi tiết quy định về các hoạt động trên sàn giao dịch carbon, bao gồm: mua, bán, đấu giá hạn ngạch, và mua, bán tín chỉ carbon.
Dự thảo đề xuất doanh nghiệp được phép sử dụng tín chỉ carbon từ dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để bù trừ cho lượng khí nhà kính phát thải vượt quá hạn ngạch được phân bổ |
Theo đó, các hoạt động chuyển giao, vay mượn, nộp trả, bù trừ hạn ngạch sẽ thực hiện trên Hệ thống đăng ký quốc gia.
Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP hiện quy định Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vận hành thí điểm, tiến tới vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường carbon.
Quy định hiện hành chưa chi tiết về quản lý vận hành sàn giao dịch carbon. Do đó, dự thảo Nghị định mới đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lý, vận hành sàn thống nhất với các nội dung tại Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Dự thảo cũng quy định chi tiết về thời điểm, trình tự thủ tục thực hiện các hoạt động mua bán, đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ.
Theo đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được mua, bán trên Sàn giao dịch carbon theo hình thức khớp lệnh và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Tín chỉ carbon ngoài mua, bán có thể giao dịch theo hình thức thỏa thuận và phải đăng ký trên Sàn giao dịch carbon. Các hướng dẫn về mua, bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên Sàn giao dịch carbon sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Về đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các cơ sở có thể đấu giá trên sàn giao dịch carbon, nhằm sở hữu thêm hạn ngạch ngoài lượng hạn ngạch được phân bổ trong cùng 1 giai đoạn cam kết.
Cơ sở cũng có trách nhiệm nộp trả lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính tối thiểu bằng với kết quả kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn tuân thủ của cơ sở đã được thẩm định; thực hiện tại Hệ thống đăng ký quốc gia trước ngày 31/12 của năm kế tiếp giai đoạn tuân thủ quy định tại Điều 12 Nghị định này. Nhà nước khuyến khích các cơ sở tự nguyện nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhiều hơn kết quả kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn tuân thủ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp về thị trường tín chỉ carbon và Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) |
Từ năm 2025 đến hết năm 2030, thông qua hệ thống đăng ký quốc gia, cơ sở được phép vay mượn hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho giai đoạn tiếp theo của cơ sở đó để sử dụng cho hoạt động nộp trả cho giai đoạn tuân thủ.
Dự thảo đề xuất, số lượng hạn ngạch vay mượn không vượt quá 15% lượng hạn ngạch đã được phân bổ cho giai đoạn tuân thủ và không được sử dụng để mua, bán trên Sàn giao dịch carbon. Cơ sở thực hiện vay mượn hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên Hệ thống đăng ký quốc gia trước khi nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính của giai đoạn tuân thủ.
Từ năm 2025 đến hết năm 2030, cơ sở được phép chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính của giai đoạn tuân thủ sang giai đoạn tuân thủ tiếp theo; thực hiện trên Hệ thống đăng ký quốc gia trước khi nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính của giai đoạn tuân thủ. Sau 30 ngày kể từ thời hạn nộp trả, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hủy bỏ số lượng hạn ngạch của các giai đoạn tuân thủ trước đó chưa được chuyển giao hoặc/và nộp trả của cơ sở trên Hệ thống đăng ký quốc gia.
Cơ sở cũng được phép sử dụng tín chỉ carbon từ dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để bù trừ cho lượng khí nhà kính phát thải vượt quá hạn ngạch được phân bổ. Số lượng tín chỉ carbon bù trừ được sử dụng cho hoạt động nộp trả cho giai đoạn tuân thủ và không vượt quá 10% số lượng hạn ngạch phân bổ. Hoạt động bù trừ cũng thực hiện trên Hệ thống đăng ký quốc gia trong quá trình nộp trả.